Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới
1. Khái quát chung về nền tảng tư tưởng của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nông dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân và nông dân lao động. Là tổ chức chính trị duy nhất được Hiến pháp Việt Nam 2013 công nhận, Đảng cộng sản Việt Nam lấy nền tảng cốt lõi là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để hoạt động và phát triển. Nền tảng tư tưởng của Đảng được khẳng định tại “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011” và chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết lý luận sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại; luôn được bồi đắp, hoàn thiện bởi những kết quả sáng tạo mới nhất của khoa học và kinh nghiệm thực tiễn lịch sử; nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với một số vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự ứng dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của nước ta, tiếp nối và phát triển những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa đặc biệt của nhân loại; là tài sản tinh thần đặc biệt quý báu và vô giá của Đảng và dân tộc ta, tư tưởng của Người mãi dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai mặt không thể tách rời với cùng một mục tiêu: giữ vững niềm tin, tiếp tục đổi mới sáng tạo, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì độc lập của đất nước, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
2. Công tác triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Với vị trí, vai trò đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là đối tượng và mục tiêu phá hoại của những kẻ thù địch phản động. Chúng thường tìm mọi cách vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhằm khiến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, lệch hướng. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ số, các thế lực thù địch đã lợi dụng điều này để chúng chống phá thông qua mạng xã hội trên nền tảng Internet, mạng xã hội “được ví như con dao 2 lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích.
Bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc có thông tin sai trái như: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trên mọi lĩnh vực. Những thông tin xấu có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Việc giữ gìn nền tảng tư tưởng đã được Đảng ta thực hiện từ rất lâu và ngày càng trở thành công việc quan trọng, thường xuyên và liên tục. Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 39-HD/VPTW ngày 16/10/2018, Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 25/6/2019 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với những yêu cầu và nhiệm vụ trên, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 47-QĐ/BCSĐ ngày 20/9/2019, Quyết định số 02-QĐ/BCSĐ ngày 7/01/2020 thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương); trong đó, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban cán sự đảng được giao là Cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động số 01-QC/BCĐ ngày 22/10/2019 với các nội hàm, nội dung về phạm vi, quyền hạn, cơ cấu bộ máy chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo; Quyết định số 04-QĐ/BCSĐ ngày 25/3/2020 phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; Quyết định số 63-QĐ/BCĐ ngày 23/4/2020 thành lập Nhóm cộng tác viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện các yêu cầu trên, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra theo kế hoạch.
3. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng
Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Việc kết hợp đưa thông tin ra nước ngoài và thông tin chính thống từ thế giới vào Việt Nam luôn được thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả; do đó đã hạn chế được nhiều tác động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.
Đảng, Chính phủ ta đã quan tâm, phát triển nhanh, mạnh, vững chắc với cơ cấu, quy mô hợp lý các loại hình thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông thế giới, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngang tầm khu vực và thế giới…
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân luôn kiên định nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền luôn chú trọng việc nghiên cứu, nắm vững, làm chủ lý luận tiên phong, chống bệnh chủ quan, máy móc, chống giáo điều, chống hẹp hòi, biệt phái, chống chủ nghĩa kinh nghiệm, đổi mới tư duy lý luận, nắm vững thực chất, tinh thần và phương pháp Mác - Lênin.
Tại Bộ Công Thương năm 2020, Ban Chỉ đạo 35 đã mở Chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo Công Thương điện tử, Tạp chí Công Thương điện tử. Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo đã thực hiện đăng tải gần 50 bài viết trên Chuyên mục, trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền góp phần giúp cho nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương nắm bắt, hiểu rõ các hoạt động của Bộ, những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm trong quá trình Bộ Công Thương triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn để trang bị kỹ năng, kiến thức cho các đồng chí Thủ trưởng đơn vị, các đồng chí trong cấp ủy đảng và bí thư đoàn thanh niên của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo xu hướng và một số giải pháp trong tình hình mới.
Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, từ nội dung đến hình thức hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã từng bước đi vào nền nếp, hoạt động một cách bài bản; kịp thời tuyên truyền, định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, góp phần giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đã phối hợp với Đảng ủy Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tổ chức lồng ghép việc quán triệt về chủ trương, đường lối, kỹ năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và người lao động ngành Công Thương, nhất là cấp lãnh đạo, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
4. Các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đảng bộ Bộ Công Thương bám sát nội dung các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch trên mọi lĩnh vực nhất là lĩnh vực tư tưởng, lý luận; tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác cụ thể; đưa công tác phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao.
Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Kịp thời phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về các hoạt động của Bộ Công Thương để kịp thời định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng, phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm bắt, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội.
Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Bộ Công Thương cần chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị mình công tác. Khi tham gia mạng xã hội phải đề cao ý thức, trách nhiệm, thiết thực, lành mạnh; bình tĩnh chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi bình luận, chia sẻ. Không lưu trữ, cung cấp, đăng tải, chia sẻ, phát tán những thông tin xấu, độc, giả mạo, xuyên tạc, vu khống,… trên không gian mạng. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm, phải báo cáo với cơ quan chức năng biết để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định./.