Thu nhiều sách truyền đạo trái phép từ nhóm người theo Thích Minh Tuệ Vẫn là chiêu trò lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam |
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, lợi dụng hiện tượng “Thích Minh Tuệ” (tức Lê Anh Tú) vừa qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ đoạn mới để thực hiện mục tiêu cũ
Việt Nam được các nhà nghiên cứu tôn giáo ví như “Bảo tàng tôn giáo”; bởi vì, trên thế giới có những tôn giáo lớn nào thì Việt Nam có tôn giáo ấy (tôn giáo “ngoại nhập”; Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo…). Không những vậy, còn có tôn giáo “nội sinh” (Cao Đài, Hoà Hảo…). Trong suốt chiều dài lịch sử, hầu hết các tôn giáo cả “ngoại nhập” và “nội sinh” đều đoàn kết, luôn đồng hành cùng dân tộc, phát triển cùng đất nước, có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, có những thời kỳ nhất định, vì tôn giáo là vấn đề “nhạy cảm” nên thường xuyên bị các thế lực thù địch đội lốt tôn giáo lợi dụng để xâm lược và đặt ách đô hộ, nô dịch dân tộc ta. Do đó, mặc dù là người có đức khoan dung tôn giáo vĩ đại, song Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra và vạch mặt bọn lợi dụng tôn giáo để cướp nước ta. Vì vậy, ngay mở đầu bài viết “Giáo hội”, chương “Đông Dương - Giáo hội” trong tác phẩm “Đông Dương” rất đồ sộ, Người khẳng định: “Nếu có dân tộc nào phải nhớ ơn Chúa và các giáo sĩ, thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này đã sa vào tình cảnh nô lệ như ngày nay. Bước đầu, khi giúp Gia Long chiếm lấy ngôi vua, Pinhô đờ Bêhen đã làm hết cách dọn đường cho thực dân cướp nước.
Cho nên để đổi lấy một ít súng ống, y đã bắt Gia Long nhượng cho Pháp những thương cảng và quân cảng sau này trở thành những căn cứ xâm lược của Pháp. Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam cho đội quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp, dẫn đường cho đội quân viễn chinh và tố giác những người yêu nước. Trong thời chinh chiến ở Bắc Kỳ, nhiều tên giám mục cha cố giả danh đi làm việc thiện, đã len lỏi trong dân chúng An Nam do thám phong trào, đánh cắp kế hoạch phòng thủ thành phố và chuyển cho người Pháp. Biết rõ những vùng giàu có nhưng lại phản đối truyền đạo, đôi khi giáo hội cố ý đưa cha cố về chịu bị ức hiếp để lấy cớ can thiệp và cướp bóc nhân dân.
Nhận diện thủ đoạn “hà hơi, tiếp sức” cho “Thích Minh Tuệ” để phá hoại tất cả. (ẢNH:TTXVN) |
Đến nay, sau gần 170 năm, âm mưu và thủ đoạn ấy vẫn được các thế lực thù địch sử dụng với những chiêu thức thâm độc hơn để chúng đạt mục đích cuối cùng là phá hoại đoàn kết tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một trong những chiêu thức mới rất tinh vi, nham hiểm đó là lợi dụng các hiện tượng tôn giáo như Thích Minh Tuệ.
Một điều dễ nhận thấy là ông Lê Anh Tú đã tự bỏ “căn cước công dân”, tức tự tước đi quyền cơ bản của một công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không có một địa chỉ cư trú nhất định, đó là điều không thể chấp nhận bởi dù có “tu tập” thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ công dân.
Ông Tú đã từng là quân nhân, từng đi học thì không thể không có “chứng minh thư nhân dân” hay “căn cước công dân” được. Không những vậy, ông Tú với cái tên gọi “Thích Minh Tuệ” rất dễ gây hiểu nhầm.
Vậy ai sốt sắng nhất tung hô thái quá, thậm chí thần thánh hoá hiện tượng Thích Minh Tuệ như một “Phật sống tái thế”? Không khó để nhận diện, đó là: Những chủ nhân của các tài khoản mạng xã hội muốn tăng tương tác để kiếm lời, “ăn theo” sự kiện này, còn có không ít những kẻ có nhân thân không tốt, thậm chí có người theo tôn giáo khác trà trộn vào đoàn người “tu đạo” này và cả các thế lực thù địch muốn lợi dụng…
Song, những kẻ sốt sắng nhất vẫn là tổ chức khủng bố Việt Tân và các thế lực phản động ở nước ngoài được phương Tây “hà hơi, tiếp sức” khi chúng tận dụng triệt để các trang thông tin điện tử “rfa.org”, “baotiengdan.com”, “datviet.com”, “littlesaigontv.com”, “machsongmedia.org”… và nền tảng mạng xã hội facebook với tài khoản “Việt Tân”, “Chân Trời Mới Media”. Chúng thông qua mượn lời của những kẻ cơ hội chính trị và bọn phản động và cả một số linh mục Thiên Chúa giáo thường có tiếng nói cực đoan…Không dừng lại ở đó, chúng lấy hình ảnh Thích Minh Tuệ - Lê Anh Tú để “đối lập” với toàn bộ những chân tu chân chính, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời, chúng cổ xuý, khuếch trương tổ chức tôn giáo phản động, bất hợp pháp với cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”. Nguy hiểm hơn, chúng vu cáo và công kích Nhà nước ta phân biệt đối xử khi ủng hộ cái gọi là: “Chùa quốc doanh”, “sư quốc doanh”, “chùa BOT”… Nhất là khi các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương hướng dẫn tu tập đúng quy định, không xâm phạm vào khu di tích lịch sử, khu tâm linh, nhất là Nghĩa trang Liệt sĩ, thì chúng vu cáo chính quyền ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, miệt thị người dân và quê hương Quảng Trị anh hùng, vùng đất giàu truyền thống cách mạng…
Ngay cả khi ông Lê Anh Tú được các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội và ông đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực thì chúng vẫn tiếp tục bóp méo sự thật.
Với bản chất phản động, tổ chức khủng bố Việt Tân và các thế lực phản động vẫn “cố đấm ăn xôi” khi chúng tung ra một loạt “thuyết âm mưu” hoặc cáo buộc vô căn cứ như: “Quá uất ức cảnh công an áp chế sư Minh Tuệ và các đồng tu nhưng làm gì được họ? - Được chứ! Hãy kêu nhau NGƯNG cúng dường các chùa” hay cái gọi là: “Tự do tôn giáo theo định hướng Xã hội chủ nghĩa…
Có một thực tế là, trong chương trình Thời sự tối 8/6, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát bản tin, trong đó ông Thích Minh Tuệ đã xuất hiện và thẳng thắn chia sẻ: “Tinh thần, sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo để học tập theo lời Phật dạy”; vậy mà chúng vẫn ra sức xuyên tạc. Tráo trở hơn, trang “Chân Trời Mới Media” của Việt Tân ngày 08/6/2024 còn hỗn xược khi đưa ra so sánh “Thích Minh Tuệ” với các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, Chính phủ…
Không để thêm một tiền lệ xấu
Từ vụ việc này đã xảy ra nhiều hệ luỵ rất xấu, rất nguy hiểm: Nó không chỉ đơn thuần vi phạm trật tự an toàn giao thông; gián tiếp làm 1 chết người, sốc nhiệt 2 người, còn có thể mất trật tự an toàn xã hội; là mầm mống của “bất tuân dân sự” của một bộ phận quần chúng có đạo.Chúng hòng gây chia rẽ, làm mất đoàn kết tôn giáo và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nguy cơ tạo ra “cách mạng màu sắc” khi chúng “kích hoạt ngòi nổ” là vấn đề tôn giáo để tạo cớ để bọn cơ hội chính trị trong nước, một số quốc gia thiếu thiện chí và thù địch “nội công, ngoại kích” để can thiệp, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Như chúng tôi đề cập ở trên, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và đã có từ khi mới thành lập Đảng. Trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng Minh ngày 18/11/1930, Đảng đã có tuyên bố đầu tiên về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của quần chúng: “... Phải lãnh đạo từng tập thể sinh họat hay tập đoàn của nhân dân gia nhập một tổ chức cách mạng, để dần dần cách mạng hóa quần chúng và lại đảm bảo tự do tín ngưỡng của quần chúng...”. Chính sách này cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 3/9/1945: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”, coi đó là một trong sáu nhiệm của Nhà nước non trẻ. Hay trong lời kết thúc buổi ra mắt vào ngày 3/3/1951, Đảng Lao động Việt Nam đã tuyên bố: “... Vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”. Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 234-SL ban hành chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi rõ: “Việc tự do tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền Dân chủ Cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng ghi rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.
Chủ trương, chính sách của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo từng bước được hoàn thiện. Đến đầu thập kỷ 90, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về công tác tôn giáo trong tình hình mới, ghi dấu son về sự đổi mới đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Sau gần 10 thực hiện Nghị quyết 24, Đảng ta đã tổng kết, đánh giá những thành tựu và nêu rõ những khuyết điểm, đồng thời Bộ Chính trị ra Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 02/7/1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Cho đến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bẩy, khoá IX về công tác tôn giáo (Nghị quyết 25-NQ/TƯ ngày 12/3/2003) quan điểm, chính sách của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm một bước mới phù hợp với sự nghiệp đổi mới của Đảng. Đó là “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”.
Những quan điểm của Đảng ta được Hiến định trong các bản Hiến pháp, trong luật và pháp lệnh… từ ngày thành lập đến nay chứng minh rằng Đảng và Nhà nước ta coi quyền tự do tín ngưỡng là một nhu cầu quan trọng của con người, là một trong những quyền công dân, quyền chính đáng của con người. Trước là vậy, sau này vẫn thế và mãi mãi không thay đổi.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng đức tin của đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; tôn trọng quyền được theo bất cứ tôn giáo nào cũng như quyền không theo tôn giáo nào, mong muốn cho người dân theo tôn giáo được “phần hồn thong dong, phần xác ấm no”. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin nhắc lại lời V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”.