Dự thảo quy định mới về diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú Nhà ở tối thiểu 20m2/người mới được nhập hộ khẩu vào TP. Hồ Chí Minh |
Diện tích bình quân tối thiểu là 20m² mới được đăng ký thường trú
Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội.
Cụ thể, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đây là nhà do các cơ quan, đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20m², tính theo m² sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Theo quy định, tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng hai điều kiện.
Quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa nhà thuộc sở hữu nhà nước chỉ cần đáp ứng diện tích tối thiểu 8m²/người và diện tích nhà tư nhân phải cần tới 20 m2/người |
Một là, được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó. Hai là, đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m² sàn/người.
Theo Luật Thủ đô cho phép thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù để hạn chế tình trạng di dân tự phát vào khu vực nội thành. Cụ thể tại mục b khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định điều kiện được đăng ký thường trú tại nội thành là phải tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở.
Đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Mặc dù luật quy định là vậy, song thực tế cho thấy, nếu như dự thảo được thông qua thì sẽ là nỗi lo lắng cho nhiều người dân nhập cư trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là những lao động có thu nhập thấp.
Có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử
Trao đổi về đề xuất này với Báo Công Thương, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, việc triển khai dự thảo này sẽ góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Mặt khác cũng tạo điều kiện tốt để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng về nhà ở, về việc học, việc làm cũng như sinh hoạt trong cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, việc triển khai dự thảo trên thực tế có một số hạn chế, cần phải xem xét kĩ càng để tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú.
Cụ thể, tại Điều 5 Quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép được tách thửa cho hộ gia đình cá nhân trên địa bàn TP.Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 20/2017/QĐ-UBND, thì đất ở trung tâm TP.Hà Nội được phép tách thửa (cấp sổ đỏ) khi có diện tích tối thiểu 30m².
Trong khi đó, dự thảo mới quy định diện tích tối thiểu là 20m²/người, giả sử đối với một gia đình có 4 người, để thuộc diện được đăng ký thường trú thì diện tích căn nhà tối thiểu phải là 80m². Nếu diện tích mặt sàn của căn nhà này là 30m2 thì phải xây tận 3 tầng thì những người trong căn nhà mới được đăng ký thường trú. Điều này sẽ gây khó khăn cho gia đình có nhiều thế hệ sinh sống và điều kiện kinh tế chưa vững.
Chưa kể đến người dân sinh sống tại trung tâm Hà Nội không ít người có thu nhập thấp, nếu dự thảo này đi vào thực tế thì người có điều kiện kinh tế sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng sẽ “tội” người nghèo, công nhân lao động... Họ muốn đăng ký thường trú để cho con cái đi học, khám bệnh sẽ rất khó.
Luật sư Tiền cho rằng: "Với điều kiện của Hà Nội hiện nay, việc mỗi người dân có thể sở hữu một căn nhà không dễ dàng. Do đó, rất nhiều người đang phải thuê nhà ở. Mà nhà đi thuê đã được xây dựng với một diện tích nhất định, không dễ để có thể mở rộng diện tích để đáp ứng điều kiện diện tích tối thiểu 20m²/người nhằm mục đích đăng ký thường trú".
Ngoài ra, quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa nhà thuộc sở hữu nhà nước chỉ cần đáp ứng diện tích tối thiểu 8m²/người và diện tích nhà tư nhân phải cần tới 20m²/người cho mục đích đăng ký thường trú. Hơn nữa, điều này còn làm hạn chế quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Hiến pháp 2013.
Luật sư Trần Xuân Tiền cũng cho biết thêm, các nước tiên tiến trên thế giới không còn áp dụng chính sách quy định nhập khẩu theo diện tích tối thiểu, bởi chính sách này được cho là quy định cản trở sự phát triển.
"Đề xuất diện tích bình quân nhà ở khi đăng ký hộ khẩu thể hiện chủ trương hạn chế dân nhập cư vào trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên dù có hộ khẩu hay không thì nơi nào có việc làm tốt, thuận tiện cho đời sống thì người dân vẫn đến. Một đô thị lớn muốn phát triển bền vững thì cũng phải cần đến lực lượng này. Phải tìm cách chào đón chứ không phải tìm cách hạn chế họ được" - luật sư Tiền nhấn mạnh.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tổ chức đánh giá tác động độc lập đối với dự thảo chính sách này theo đúng yêu cầu quy định hiện nay để hạn chế thấp nhất những bất cập đối với người dân hiện nay.