Tạo đột phá cho ngành cơ khí MTA HANOI 2023: Cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí tiến sâu vào chuỗi giá trị Cách nào tạo thị trường cho ngành cơ khí? |
Doanh nghiệp cơ khí sụt giảm 20% đơn hàng
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) thông tin, năm nay, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30% đến 40%.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Ngô Quang Định - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Lilama 18 cũng chia sẻ, từ đầu năm đến nay, Lilama 18 cũng bị sụt giảm mạnh ở lĩnh vực xuất khẩu thiết bị - vốn là một trong những thế mạnh lớn của công ty. Nguyên nhân là do các đối tác lớn của Lilama 18 ở Mỹ, Đức cũng bị sụt giảm đơn hàng do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Doanh nghiệp cũng đứng trước khó khăn và phải tìm cách xoay xở để thêm những đơn hàng nội địa.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, bước sang giai đoạn mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, ngành cơ khí cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển ngành cơ khí không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Giai đoạn nhiệm kỳ IV của Hiệp hội (2018-2023), ngành cơ khí trong nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu Covid-19, thị trường bị thu hẹp, giảm sức tiêu thụ, đối mặt với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tiếp theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo dài làm tăng hơn các khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian gần đây, các dự án quy mô lớn ngành cơ khí đang trong xu hướng chững lại nên nhiều doanh nghiệp thuộc VAMI vẫn tiếp tục thiếu việc làm, không có tích lũy để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng thêm năng lực cạnh tranh.
Không ít doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại nên chậm và không có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, quan tâm đến chuyển đối số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã gỡ bỏ dần nhiều hàng rào thuế quan, nhưng các doanh nghiệp cơ khí cũng còn quá ít kinh nghiệm bảo vệ thị trường và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Về chính sách phát triển cho ngành cơ khí, Chính phủ tuy có ban hành các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn, phát triển công nghiệp hỗ trợ, miễn giảm thuế nhập khẩu… nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp cơ khí vẫn khó tiếp cận.
Nêu ra những hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp cơ khí trong nước chưa có mặt hàng truyền thống, trong khi các doanh nghiệp vẫn ngại thay đổi quy mô sản xuất. Sản phẩm cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, nguyên liệu vật tư lại phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, những hạn chế về luật thương mại quốc tế của doanh nghiệp cơ khí đã khiến các khách hàng nước ngoài chưa hài lòng...
Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” cho ngành cơ khí
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam VAMI cũng thừa nhận: Ngành cơ khí trong nước thời gian qua đang thiếu vắng một yếu tố cơ bản đó chính là thị trường. Phải có thị trường mới có được việc làm, có thể đổi mới sáng tạo. Yếu tố thị trường quyết định lớn đến công tác phát triển ngành cơ khí.
Cần có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước |
Và để có thị trường cho ngành cơ khí, ông Lê Văn Tuấn cũng mạnh dạn đề nghị, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu. Có như vậy, ngành cơ khí trong nước mới có được thị trường để phát triển. Ông Tuấn nhấn mạnh, Nhà nước cần ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả các nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, FDI…). Việc này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, cần tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, tạo điều kiện chính sách cho doanh nghiệp về tài chính, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Từ thực tế địa phương, ông Đinh Hồng Quân, Phó chủ tịch Thường trực Hội các Doanh nghiệp cơ khí tỉnh Bắc Giang cho biết, ngành cơ khí Bắc Giang đã chế tạo được thiết bị tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực thủy điện, điện gió, lò đốt rác... nhưng hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu người định hướng, dẫn dắt, kết nối tạo sân chơi. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; cùng với đó, đề nghị cần có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp FDI nội địa hóa theo tỷ lệ % nhất định.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng kiến nghị, vì sản phẩm cơ khí rất đa dạng nên tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cần đẩy mạnh thông tin về thị trường, khách hàng. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí trong nước nỗ lực hơn nữa.
Có thể nói, cách đây nhiều năm, ngành cơ khí trong nước đã tạo được dấu ấn lớn với việc tự chủ được các nhà máy, công trình lớn trong nước, điển hình như tại thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, hay tại các nhà máy xi măng… Và không phải tự nhiên, ngành cơ khí trong nước có được những thành tựu đó. Đều có bàn tay của Nhà nước làm “bà đỡ”, tạo thị trường cho ngành cơ khí. Chỉ khi có sự sâu sát, can thiệp kịp thời của Nhà nước, rằng những thiết bị này, những công nghệ này trong nước đã sản xuất được, thì ưu tiên sử dụng thiết bị, nguồn lực trong nước. Chỉ khi ấy, ngành cơ khí mới có được “đất sống”, có được thị trường, được việc làm.
Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa bao giờ đứng trước khó khăn như hiện nay khi thị trường không có, bởi mảng đầu tư công trong nước đang hết sức trì trệ; các doanh nghiệp ngành cơ khí không có ưu đãi nào về vốn vay, cho thuê đất, thuế xuất khẩu… trong khi ngành cơ khí có đặc thù cần đầu tư vốn lớn, lâu dài, nhà xưởng rộng...
Ngành cơ khí - chế tạo vẫn là ngành xương sống của đất nước. Thiết nghĩ, để ngành công nghiệp xương sống này phát triển vững mạnh, rất cần bàn tay của Nhà nước với vai trò như một “bà đỡ” để tạo thị trường trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tạo công ăn việc làm ổn định cho ngành.