Hấp dẫn, sôi nổi và gay cấn
Hai đội nông dân huyện Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột so kè, giành nhau từng điểm một qua các phần thi: kiến thức kỹ thuật canh tác cà phê bền vững; tình huống thử thách; trò chơi vận động và thử tài giải các mẹt chữ may mắn, mẹt chữ đặc biệt. Đến lượt thi thứ 5 thì cả 2 đội đều đạt 5 điểm, buộc phải phân thắng thua bằng câu hỏi phụ. Sự xuất sắc của các thành viên đã giúp đội nông dân TP. Buôn Ma Thuột chiến thắng và giành phần thưởng tuyệt đối ở phần thi giải mẹt chữ đặc biệt.
Hội thi “Nhà nông đua tài” với chủ đề Canh tác cà phê thông minh - Sân chơi bổ ích, thiết thực cho nông dân Tây Nguyên |
Khác với sự gay cấn, quyết liệt trong trận đấu giữa 2 đội Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột, sự chênh lệch, không hẳn về kiến thức kỹ thuật canh tác cà phê mà còn ở sự linh hoạt, nhanh tay, sự phối hợp giữa các thành viên trong đội chưa thật nhịp nhàng, khéo léo, nên đội nông dân huyện Krông Năng đã để đội nông dân huyện Krông Búk bỏ xa với tỷ số 5/1 và giành luôn quyền giải mẹt chữ may mắn. Giành chiến thắng cách biệt, đội nông dân Krông Búk và đội nông dân TP. Buôn Ma Thuột sẽ được tập hợp lại thành 1 đội đại diện cho nông dân tỉnh Đắk Lắk tham gia vòng chung kết hội thi Nhà nông đua tài trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019, vào 11/ 3 tới đây.
Nhiều kiến thức bổ ích
Ô chữ may mắn mà ban tổ chức chọn cho 2 buổi thi, là: “Canh tác bền vững” và: “Tưới nước tiết kiệm.” Thành viên các đội thi và đông đảo cổ động viên là nông dân trồng cà phê tại TP. Buôn Ma Thuột và cả ở những buôn làng xa xôi, như huyện Krông Năng, cách điểm thi gần 80 km đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích.
Ông Huỳnh Quốc Thích -Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Lắk, thành viên ban cố vấn hội thi, làm rõ “Canh tác cà phê thông minh” cho nông dân các đội thi |
Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Lắk, thành viên ban cố vấn hội thi, làm rõ thêm: “Canh tác bền vững là sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới…một cách khoa học, tiên tiến, kết hợp với tư duy thị trường cập nhật, năng động, giúp cho sản xuất nông nghiệp luôn giữ vững được 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, gay gắt, nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất thiếu hụt, ngày càng trở nên khan hiếm, quý giá, tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp sản xuất bền vững.
Ông Huỳnh Quốc Thích đưa ra lời khuyên với nông dân trồng cà phê là phải tưới đúng lúc, đúng lượng, không thừa nhưng cũng không được thiếu sẽ giúp cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhất; đồng thời không lãng phí nguồn tài nguyên nước; không rửa trôi dinh dưỡng trong đất do thừa nước…là bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nhà nông, và góp phần giữ gìn môi trường sống; đó chính là cái đích của Canh tác thông minh; là biểu hiện của người nông dân hiện đại.”
Ông Trần Hữu Đức, nhà ở xã Chư Kbô, huyện Krông Búk rất “thấm” những phân tích của nhà khoa học. Nhà trồng 6 ha cà phê từ năm 1986 đến nay, ông luôn mày mò, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác để công việc sản xuất hàng ngày của mình ngày càng thuận lợi. “Được tham gia đội thi của huyện, và của tỉnh nữa, là một dịp rất tốt để gao lưu, học hỏi, làm giàu thêm vốn kiến thức kỹ thuật canh tác cà phê của mình.”- ông nói.
Bà Dương Thị Liên, nhà ở phường Thắng Lơi, TP. Buôn Ma Thuột đi cổ động cho hội thi - cho hay: chương trình rất vui, rất bổ ích, lại có phần quà tặng do trả lời đúng câu hỏi giành cho khán giả nữa. Là người dân tại chỗ, tui sẽ rủ nhiều người tới cổ vũ lễ hội, để quảng bá cho hương vị cà phê của Tây Nguyên mình ngày càng bay xa.