Ký ức về Hàm Cá Mập qua câu chuyện của người thợ ảnh 40 năm bám trụ Hồ Gươm Tòa nhà Hàm cá mập đã hoàn thành 'sứ mệnh' và cần thay đổi để phát triển Hà Nội chốt ngày phá dỡ tòa nhà 'Hàm cá mập' |
Nhà hàng ăn uống chạy hết công suất
Cuối tuần đầu tháng Tư, tòa nhà Hàm Cá Mập (thành phố Hà Nội) rộn ràng như chưa từng có. Từ sáng sớm đến tận tối muộn, dòng người đổ về đây để “ăn một bữa cho nhớ”, “uống ly cà phê cuối cùng nhìn hồ Gươm”, tạo nên một không khí đông đúc hiếm thấy trong những ngày cuối cùng trước khi công trình này chính thức bị di dời.
Anh Tuấn Anh - nhân viên một quán cà phê trong tòa nhà cho biết, chưa bao giờ quán đông như mấy tuần nay.
“Cứ cuối tuần là kín bàn, khách gọi đặt trước không thì gần như không có chỗ ngồi. Chúng tôi phải tăng thêm nhân viên phục vụ, thậm chí chuẩn bị thêm menu kỷ niệm, vì nhiều khách yêu cầu được mang về làm kỷ niệm”, anh Tuấn Anh bộc bạch.
Không chỉ các nhà hàng bên trong tòa nhà Hàm Cá Mập, cả những quán ăn, quán cà phê xung quanh khu vực Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền cũng được hưởng “hiệu ứng lan tỏa”.
![]() |
Các nhà hàng trong toà nhà Hàm Cá Mập những ngày này luôn trong tình trạng đông đúc |
Một phần vì khách không đặt được bàn bên trong, một phần vì ai cũng muốn tận dụng khoảng thời gian còn lại để trải nghiệm một trong những biểu tượng thị giác lâu năm nhất của khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chị Dương Thu Đông (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Gần đến ngày di dời nên Hàm Cá Mập đã đông nay lại càng đông hơn. Tôi còn không thể đặt được chỗ ngồi trong toà nhà nên đã phải đổi kế hoạch, chọn 1 quán cà phê gần đó để vẫn có thể ngắm nhìn toà nhà độc đáo này của Thủ đô”.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thu (40 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi quen gọi đó là ‘chỗ ngồi nhìn Hồ Gươm’. Tòa nhà nhìn thì không đẹp, nhưng vị trí thì không đâu sánh được. Giờ nghe tin sẽ bị tháo dỡ, tôi cảm thấy hụt hẫng lắm. Tranh thủ những ngày trước khi di dời, tôi cùng gia đình đã đặt chỗ để ăn bữa ăn ‘cuối cùng’ trên toà nhà này”.
Giới nhà hàng, quán xá quanh Hàm Cá Mập thì gọi vui đây là “dịp cao điểm cuối cùng” và họ tận dụng triệt để. Nhiều nơi tung ra các combo mang tên “chia tay Hàm Cá Mập”, “ly cà phê cuối cùng”, kèm theo thiệp in hình tòa nhà làm quà tặng. Không ít thương hiệu tranh thủ chụp bộ ảnh quảng bá “lần cuối” để đăng lên mạng xã hội, thu hút lượt tiếp cận trong bối cảnh cảm xúc tiếc nuối đang dâng cao trong cộng đồng.
![]() |
Nhiều người tranh thủ lưu lại khoảnh khắc tại đây |
Việc tòa nhà Hàm Cá Mập chuẩn bị phá dỡ mang lại doanh thu tăng đột biến cho các hộ kinh doanh tại chỗ. Tuy vậy, cũng có những lo lắng xen lẫn: “Sau khi di dời, chúng tôi chưa rõ sẽ đi đâu, làm gì. Không gian kinh doanh ở đây rất đắt đỏ, nên ai cũng tranh thủ ‘kiếm nốt’, vừa là để lưu giữ kỷ niệm, vừa là để lo cho tương lai”, anh Tuấn Anh nói thêm, ánh mắt trầm tư hơn khi nhắc đến tương lai sau ngày toà nhà không còn hiện hữu.
Các dịch vụ được dịp “ăn theo”
Không chỉ nhà hàng, các dịch vụ nhiếp ảnh, trang điểm, làm tóc cũng đang có những ngày “hốt bạc” nhờ làn sóng người dân kéo đến Hàm Cá Mập để lưu lại khoảnh khắc chia tay.
“Khách đông gấp 3 - 4 lần ngày thường, chủ yếu là các bạn trẻ, các cặp đôi đến để chụp bộ ảnh kỷ niệm một thời thanh xuân nhìn ra hồ Gươm”, nhiếp ảnh gia Thu Phương (20 tuổi) cho biết.
![]() |
Nhiều nhiếp ảnh gia tranh thủ "hốt bạc" với những bộ ảnh lưu lại khoảnh khắc tại Hàm Cá Mập |
Chị Phương cho hay, mình đã phải thuê thêm một bạn hỗ trợ ánh sáng và sắp xếp lịch chụp vì “full lịch tới tận giữa tháng Tư”. “Nhiều người còn đặt yêu cầu: Chụp vào lúc hoàng hôn, từ ban công tầng cao nhất, góc phải nhìn thẳng ra tháp Rùa. Họ sợ sau này sẽ không còn cơ hội đó nữa”.
Cùng với nhu cầu chụp ảnh tăng cao, dịch vụ trang điểm, làm tóc theo gói “chụp ảnh kỷ niệm” cũng chạy không kém gì mùa cưới. Các studio quanh khu vực phố cổ, đặc biệt là khu Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, đồng loạt tung ra gói dịch vụ “Make up chia tay Hàm Cá Mập” với giá từ 300.000 đến 1 triệu đồng/người, tùy gói chụp cá nhân, cặp đôi hay nhóm bạn.
Chị Thu Liễu - chủ 1 studio trên phố Ngô Quyền - cho biết: “Mỗi ngày tôi nhận trung bình từ 8 - 12 lượt khách. Có hôm cao điểm cuối tuần, cả ekip phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, phục vụ gần 20 khách một lúc. Nhiều bạn đặt gói chụp cá nhân kèm make up, thuê áo dài, phụ kiện, tổng chi phí từ 800 nghìn đến hơn 1,2 triệu đồng/người”.
Tính sơ sơ, trong 1 tuần đầu tháng 4, mỗi ngày chị Liễu thu về trung bình 5 triệu đồng lợi nhuận. “Mùa cưới tháng 11 không bằng mùa chia tay Hàm Cá Mập tháng 4”, chị Thu Liễu bộc bạch.
Chị Đào Thuý Quỳnh (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Sống ở Hà Nội nhiều năm nay nhưng tôi chưa từng được 1 lần trải nghiệm cảm giác ngồi ở Hàm Cá Mập ngắm Hồ Gươm, nay nghe tin Hàm Cá Mập sắp di dời nên tôi tranh thủ đến lưu giữ kỉ niệm với kiến trúc độc đáo này”.
![]() |
Dưới chân toà nhà Hàm Cá Mập, nhiều người thuê các tay máy chuyên nghiệp đến chụp ảnh lưu niệm |
Ngay cả những người chụp ảnh dạo quanh khu vực bờ hồ tưởng như đã bị mạng xã hội và điện thoại di động “khai tử”, nay cũng được dịp “hồi sinh”.
Ông Bình, 63 tuổi, với chiếc máy ảnh Canon đời cũ, chia sẻ: “Cả tuần nay tôi chụp không kịp thở. Có khách đưa hẳn máy film nhờ tôi bấm vì muốn giữ đúng phong cách Hà Nội xưa”. Giá mỗi bức ảnh in nhanh tại chỗ giờ đã lên đến 50.000 - 70.000 đồng, gấp đôi ngày thường, nhưng khách vẫn xếp hàng.
Làn sóng “lưu giữ ký ức” này phần nào cho thấy, Hàm Cá Mập in đậm trong tâm trí người dân như một phần đời sống đô thị.
“Chúng tôi kiếm thêm được chút tiền, nhưng thứ giá trị hơn cả là được chứng kiến và ghi lại cảm xúc của con người với một công trình sắp trở thành dĩ vãng”, nhiếp ảnh gia Thu Phương bộc bạch. “Tôi chụp không phải chỉ để khách có ảnh, mà còn để chính mình lưu lại một Hà Nội đang thay đổi từng ngày”, chị Thu Phương cho biết.
Không ít thương hiệu tranh thủ chụp bộ ảnh quảng bá “lần cuối” để đăng lên mạng xã hội, thu hút lượt tiếp cận trong bối cảnh cảm xúc tiếc nuối đang dâng cao trong cộng đồng. |