Thang dây cho mỗi căn hộ: Điều bắt buộc với chủ đầu tư chung cư Lựa chọn thang dây thoát hiểm nào để phòng rủi ro cháy nổ? |
Hẹn hò mấy bận, nhưng rồi mãi gần đây vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi cùng vợ chồng Thu Hương - Phi Hùng về Uông Bí (Quảng Ninh) thăm bố mẹ thân sinh ra Hương. Thu Hương là y tá làm việc ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội, cả về tính tình khá giống con gái chúng tôi. Hai đứa lại sinh cùng tháng, cùng năm, chỉ cách nhau mấy ngày nên hễ gặp nhau là ríu rít như chị em sinh đôi. Cơ duyên vậy nên vợ chồng tôi quý mến và nhận Hương là con nuôi.
Đến nhà ông, bà Thành tôi không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng bởi cái cầu thang thoát hiểm từ tầng 2 thông ra khoảng không sân vườn nhỏ sau nhà… |
Ông, bà Thành (bố, mẹ Hương) là chủ cửa hàng Kim Thành - Đại lý bán hàng kim khí, điện máy và nhựa Tiền Phong - Trên đường Nguyễn Văn Cừ thuộc phường Vàng Danh, cách TP. Uông Bí chừng 9 km. Đến nhà ông, bà Thành tôi không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng bởi cái cầu thang thoát hiểm từ tầng 2 thông ra khoảng sân vườn nhỏ sau nhà…
*
Ông Thành quê ở Thái Bình. Năm giữa thập niên 60 thế kỷ trước, chàng thanh niên Hoàng Trung Thành được tuyển sang Ba Lan học về quản lý và khai thác than. Sau hơn bốn năm tu nghiệp ở nước Ba Lan xã hội chủ nghĩa, về nước anh Thành được phân công về làm việc ở mỏ than Vàng Danh. Tại đây, anh Thành kết duyên với cô gái vùng than nhỏ nhắn, xinh xắn làm nghề thợ may, hai người trùng tên, cùng tuổi Nhâm Thìn (1952).
Thế rồi hai người có với nhau hai mụn con, đều gái. Thời đó nhà nước có chính sách: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con”, đó cũng là những tháng năm bao cấp “gạo châu, củi quế”. Nhưng được cái anh công nhân hầm mỏ và cô thợ may vá gia công quần áo cần mẫn với công việc và tằn tiện trong chi tiêu nên đã lo liệu được cho hai con ăn học hết phổ thông rồi lên Hà Nội học tiếp đại học.
Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, con đường nối Uông Bí với mỏ than Vàng Danh được mở rộng thêm, láng nhựa phẳng lỳ, xe cộ, người qua lại đông đúc; hai bên đường nhà cửa, hàng quán mọc lên thành phố, rồi địa danh từ xã trở thành phường Vàng Danh. “Nước nổi, bèo nổi”, bà Thành thôi nghề thợ may chuyển sang mở cửa hàng kim khí, điện máy, đồ gia dụng. Còn ông Thành sau 20 năm với “Bài ca người thợ lò” lại ca kíp đêm hôm vất vả nên sức khỏe suy giảm, năm 1991 ông được xét nghỉ việc theo diện 176 (Quyết định 176/HĐBT ngày 9/10/1989). Từ đó vợ chồng ông, bà Thành tập trung cho việc làm đại lý bán các mặt hàng kim khí, điện máy, hàng nhựa gia dụng cho các công ty chuyên ngành ở mấy thành phố Hạ Long, Hải Phòng, thậm chí có công ty ở Hà Nội... Toàn những mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu đối với các hộ gia đình công nhân ở mấy khu phố vùng mỏ Vàng Danh.
Vợ chồng ông, bà Thành tập trung cho việc làm đại lý bán các mặt hàng kim khí, điện máy, hàng nhựa gia dụng |
Cuộc sống của gia đình ông, bà Thành dần khấm khá, có của ăn của để hơn theo năm tháng. Năm 2015, căn nhà một tầng có mặt tiền rộng 8,5 mét, sâu hơn 20 mét lâu nay vừa là nơi bày biện, chứa hàng hóa vừa là chỗ ăn ở, bếp núc của ông, bà Thành trở nên chật chội. Đã thế, lúc này hai cặp vợ chồng con gái với mấy đứa cháu ngoại thi thoảng cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ Tết kéo nhau từ Hà Nội về thăm ông bà ngoại thì lại càng bức bách hơn... Ông, bà Thành quyết định đập bỏ căn nhà cũ và xây mới ngôi nhà kiên cố hai tầng với một tầng tum lên sân thượng. Toàn bộ sàn tầng hai của ngôi nhà mới được bố trí 3 phòng ngủ riêng biệt, một phòng tiếp khách phía trước có ban-công nhìn xuống đường Nguyễn Văn Cừ, phía cuối nhà là một sân phơi có bờ rào sắt kiểu “chuồng cọp” cho thông thoáng và chống trộm cắp như bao gia đình khác. Đáng chú ý, cái bờ rào “chuồng cọp” được chủ nhà thiết kế một ô cửa mở, bên ngoài là cái cầu thang thoát hiểm vắt xuống khoảng sân vườn. Cái cầu thang được làm đơn giản, khung, bậc, tay vịn đều bằng inox không gỉ, rộng chừng 50 cm đủ cho người đi lên xuống thoải mái khi cần…
*
Buổi chiều khi dẫn tôi đảo qua mấy căn phòng để “thích phòng nào thì ở” ông Thành không quên hướng tôi đi về phía cuối nhà, nơi có ô cửa sắt thông ra cái cầu thang thoát hiểm và dặn:
- Nhà kinh doanh nhiều mặt hàng điện máy, đồ nhựa… không mong, nhưng nếu chẳng may “bà hỏa” hỏi thăm thì cứ mở then mà thoát ra.
Tôi có một “đêm nằm, năm ở” ở nhà ông, bà Thành. Có thể do lạ nhà nên tôi khó ngủ, mà cũng có thể sự cẩn trọng của ông Thành với cái cầu thang thoát hiểm ngoài trời cứ lởn vởn ở trong đầu. Liệu đã có mấy doanh nghiệp, hộ gia đình cẩn tắc và phòng xa như ông, bà Thành khi xây cất một ngôi nhà, mặc dù chỉ có hai tầng? Tôi lại nghĩ đến những vụ hỏa hoạn gây ra thảm họa chết người, năm nào cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây nhất là vụ cháy khách sạn mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) dẫn đến cái chết kinh hoàng của 56 người. Trong số 56 nạn nhân xấu số đó có ba bố con của một gia đình ở thành phố Hòa Bình quê tôi: Ông Đỗ Trọng Thanh (thượng tá quân đội) với con gái Đỗ Thiên Hương, sinh viên đại học báo chí và con trai đang học phổ thông cơ sở. Thật tột cùng đau đớn đối với một gia đình!
Giá như người chủ của khách sạn mini kia khi xây cất ngôi nhà vượt qua được lòng tham của mình mà chừa ra vài ba mét đất để làm cái cầu thang thoát hiểm ngoài trời như nhà ông, bà Thành thì đâu có cái họa khủng khiếp ấy?