Đầu những năm 1990, đã diễn ra "cuộc đua" chưa từng thấy về tốc độ đưa tin. Để rồi, điểm hẹn của các nhà báo là nhà ga nội địa hoặc của sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Các bài báo được đánh máy xong, những tấm ảnh vừa phóng còn chưa kịp cắt diềm được cuốn tròn lại, cho vào một cái ống… Ngó nghiêng trong những người khách lên tàu bay xem ai có vẻ tin cậy được, người viết trao những thông tin đó, nháo nhào gọi điện dặn người ở đầu dây tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh rằng có một người như thế, cầm ống đựng "nguyên vật liệu" cho số báo ra ngày mai. Khi đồng nghiệp đầu dây bên kia báo đã nhận được là thở phào nhẹ nhõm.
Ảnh minh họa |
Rồi sau đó một chút, chiếc máy fax trở thành thứ "vũ khí" quan trọng nhất với các nhà báo khi ký tên mình kèm theo dòng chữ "truyền từ địa điểm ABC nào đó" (bên ngoài biên giới Việt Nam càng "oách"). Tất nhiên, sản phẩm ảnh lên báo đôi khi không được chất lượng lắm.
Nay, những câu chuyện kỹ thuật như trên đã đi vào dĩ vãng. Thông tin bây giờ là tức thì, tương tác tức thì, mà không còn bị bó buộc bởi tuyến tính thời gian. Không gian sự kiện hội tụ cùng không gian tác nghiệp của nhà báo, cứ như thể, cái ngồn ngộn của sự kiện đang bày ra trước mắt hàng triệu độc giả.
Có ý kiến cho rằng, công nghệ thời 4.0 đã làm suy giảm vai trò đích thực cùng trách nhiệm xã hội của nhà báo khi mà phần chủ động, dẫn dắt đang nghiêng về phía độc giả hay ở một cấp độ cao hơn là mạng xã hội. Một số người cho rằng, biểu hiện rõ nhất của sự mất cân bằng này là sự xuất hiện ngày càng nhiều tin giả (fake news).
Thế nhưng, ngày càng có nhiều người tin rằng, thời đại công nghệ với các nhà báo được trang bị đến tận răng, kỹ thuật làm báo, khai thác tin và xuất bản là dịp tôn vinh trách nhiệm xã hội của nhà báo. Một tác phẩm điều tra thâm cung bí sử của Nhà Trắng dưới thời ông Donald Trump cho đến vụ trấn lột trắng trợn tại chợ Long Biên ngay giữa thủ đô Hà Nội không có gì khác hơn là khẳng định sự đồng hành của nhà báo đối với dòng chảy xã hội mà họ đang sống.
Minh chứng cho việc công nghệ hiện đại không làm suy giảm vai trò xã hội của nhà báo chính là hàng trăm bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp đang tồn tại trong làng báo chí thế giới. Có người nói, quy tắc ấy được quy định bởi tính văn hóa mà nó có thể rất cao sang ở nơi này nhưng có thể lại là một thứ xa xỉ ở nơi khác. Nhưng dấu ấn đạo đức, trách nhiệm cá nhân của nhà báo đối với cộng đồng xã hội - nơi họ sống và tác nghiệp lại vẫn luôn được nhắc đến như là mẫu số chung của các bản quy tắc đạo đức ấy.
Tại hội nghị báo chí toàn quốc cuối năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đặt một câu hỏi: Vì sao không ít nhà báo lại để mạng xã hội dẫn dắt. Người đứng đầu ngành Tuyên giáo của Đảng cho rằng, cơ hội đích thực để làm xoay chuyển tình hình đến ngay từ những công nghệ làm báo hiện đại. Vấn đề là nhà báo đã quên đi vai trò đích thực của mình trong định hướng, tạo dựng một cái nhìn khách quan cho cộng đồng, và khi đó, thay vì "lo trước thiên hạ", họ đã trở thành đối tượng để sự kiện dẫn dắt.
Nhà báo bây giờ có cần lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ hay không? Câu trả lời thiết tưởng đã rõ ràng. Công nghệ càng cao, càng hiện đại thì trách nhiệm xã hội càng phải được đề cao. |