Sức trẻ sáng tạo ở PVCFC Kỹ sư Phạm Xuân Huy: Không ngừng sáng tạo để làm chủ công nghệ |
Sinh năm 1982, nhưng 5 năm qua, Nguyễn Mạnh Triết - Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina), Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã có tới 7 sáng kiến mang lại giá trị kinh tế cũng như sức lan tỏa lớn.
Nguyễn Mạnh Triết: Sức trẻ sáng tạo ở Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam |
Là cử nhân kinh tế lại phụ trách xưởng lốp bias - Xí nghiệp lốp Radial, anh Nguyễn Mạnh Triết luôn ấp ủ có được những sáng kiến cải tiến đạt chất lượng sản phẩm tối ưu và phương pháp gia công phù hợp để vừa làm lợi cho doanh nghiệp vừa giảm sức lao động của công nhân sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Vậy là trong 5 năm, 7 sáng kiến của anh được áp dụng vào thực tiễn, mang lại giá trị to lớn, đó là các sáng kiến: “Cải tiến khuôn mẫu lốp xe nâng” (áp dụng vào sản xuất năm 2012); “Cải tiến quy trình sản xuất lốp xe nâng” (áp dụng vào sản xuất năm 2016); “Giảm tỷ lệ đổi lốp xe nâng” (áp dụng vào sản xuất năm 2016); “Thiết kế máy thành hình” (áp dụng vào sản xuất năm 2017); “Thiết kế thiết bị cắt bavia lốp xe nâng” (áp dụng vào sản xuất năm 2021); “Chế tạo thiết bị cắt bavia màng hơi” (áp dụng vào sản xuất năm 2021); “Sử dụng vải mành phế của lốp TPR, PCR làm thành phần 100% vải mành sử dụng cho lốp xe nâng” (áp dụng vào sản xuất năm 2022).
Trong số đó, anh tâm huyết nhất với sáng kiến “Cải tiến quy trình sản xuất lốp xe nâng”. Sáng kiến này được áp dụng vào sản xuất năm 2016, đã mang lại giá trị làm lợi 215.500.000 đồng.
“Trước khi cải tiến, lốp xe nâng chủ yếu sản xuất thủ công, tấm vải mành sau khi cán tráng phải dùng thước đo sau đó dùng dao cắt ra theo từng quy cách, sau đó để tấm vải dưới nền sàn và dùng ống sắt để thành hình, quá trình sản xuất như trên sẽ mất nhiều thời gian, giảm năng suất lao động, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, tôi đã chế tạo ra máy thành hình để khắc phục tình trạng nêu trên. Sau khi cải tiến đã giảm đáng kể công sức lao động của công nhân sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm”, Nguyễn Mạnh Triết cho hay.
Hay với sáng kiến “Thiết kế máy thành hình” áp dụng vào sản xuất năm 2017. Sau khi áp dụng cải tiến tăng năng suất lao động đã góp phần giảm công sức lao động, tăng chất lượng sản phẩm, giá trị làm lợi cải tiến mang lại 215.000.000 đồng.
Được biết trước khi cải tiến, thân lốp xe nâng sau khi thành hình để dưới nền xưởng rồi xuất băng cao su M91 kéo dài dưới nền sàn, sau đó phải dùng tay để lăn phôi thân lốp cuốn vào băng cao su. Việc thành hình như vậy vừa mất thời gian, tốn công sức nhưng lại không đảm bảo chất lượng.
Vì vậy trong quá trình sản xuất, anh Triết đã chế tạo ra máy thành hình mặt lốp xe nâng, với nguyên lý hoạt động là: Phôi lốp đặt lên trống thành hình sau đó xuất băng cao su dán trực tiếp vào thân lốp được điều khiển máy thành hình. Điều này giúp cải tiến tăng năng suất lao động, giảm công sức lao đông, tăng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, sáng kiến “Chế tạo thiết bị cắt bavia màng hơi” áp dụng vào sản xuất năm 2021; “Sử dụng vải mành phế của lốp TPR, PCR làm thành phần 100% vải mành sử dụng cho lốp xe nâng” áp dụng vào sản xuất năm 2022 được đánh giá cao.
Anh chia sẻ: Trước khi áp dụng sáng kiến “Sử dụng vải mành phế của lốp TPR, PCR làm thành phần 100% vải mành sử dụng cho lốp xe nâng” thành phần vải mành sử dụng 100% là tận dụng tất cả loại vải mành từ các nhà cung cấp khác nhau (mỗi nhà cung cấp vải mành có hàm lượng cao su trong vải mành khác nhau), vì vậy khi sử dụng nếu không kiểm soát sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng ngoại quan như: Nứt đường bavia trong, sau khi lưu hóa sẽ bị lòi bông chỉ ảnh hưởng đến ngoại quan lốp.
“Quá trình sản xuất và đánh giá thực trạng thực tế chúng tôi có cải tiến là phân loại và sử dụng 2 loại vải mành TPR, PCR để làm thành phần 100% vải mành. Sau cải tiến kết quả thu được là không còn hiện trạng nứt đường bavia trong, không có lỗi ngoại do lòi bông chỉ, không tốn công để xử lý ngoại quan lốp, không còn phế lốp do lỗi ngoại quan. Giá trị làm lợi sau cải tiến là 140.359.697 đồng”, anh Triết cho biết thêm.
Những lúc rảnh anh Triết thường xuyên trao đổi công việc với đồng nghiệp |
Với những hoạt động sôi nổi, hiệu quả, từ năm 2019 - 2022, anh đã đạt nhiều danh hiệu như: Đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2018-2019 của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn; có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020 của Tổng giám đốc công ty; Chiến sỹ thi đua cơ sở; có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” tỉnh Bình Dương; có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh của Ban chấp hành Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam...
Những phần thưởng Nguyễn Mạnh Triết đạt được thời gian qua không chỉ là kỷ niệm đẹp, động lực cho riêng anh mà còn là tấm gương để những người trẻ tuổi như anh phát huy hơn nữa sức trẻ sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của Casumina.