Nguyên cán bộ Trung ương lừa đảo tiền tỷ bằng cách nào?
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phùng Tiến Đạt (SN 1989, ở Ba Vì, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra, ông Phùng Tiến Đạt nguyên là cán bộ công tác tại ăn phòng thuộc một cơ quan Trung ương. Để có tiền tiêu xài cá nhân, ông Đạt thường nói với mọi người rằng, nhờ vị trí công tác ở cơ quan Trung ương nên bị can có quan hệ rộng, có thể giúp xin việc, giải quyết các thủ tục hành chính. Thậm chí, ông Đạt nói rằng mình có tiêu chuẩn mua đất, nhà với giá ưu đãi.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 12/2020- 2/2021, ông Đạt đã thực hiện 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 1,8 tỷ đồng của các bị hại. Theo đó, năm 2020, thông qua các mối quan hệ xã hội, ông Đạt quen biết với bà Nguyễn Thị Kim S. (SN 1982, ở Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội). Trong những lần đến nhà bà S. xem bói tướng số, ông Đạt làm quen và chiếm được lòng tin.
Vào cuối tháng 12/2020, ông Đạt nói với bà S. chuyện đang cùng lãnh đạo làm hồ sơ khen thưởng cho một đơn vị ở tỉnh Quảng Ninh, nên được cảm ơn bằng hình thức cho mua một thửa đất ở tỉnh này với giá ưu đãi 850 triệu đồng. Ông Đạt nói mình được lãnh đạo rủ chung tiền mua thửa đất trên để bán kiếm lời.
Lợi dụng lòng tin, ông Đạt đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều người |
Ông Đạt nói với bà S. mình không có tiền, nhưng đang gây dựng quan hệ với lãnh đạo, nếu không tham gia cùng lãnh đạo mua thửa đất này, sau sẽ không còn cơ hội để làm những việc khác.
Vì thế, ông Đạt rủ bà S. góp một nửa số tiền đầu tư là 425 triệu đồng, để chung mua mảnh đất. Ông Đạt tự tin hứa chỉ một tháng sau, đơn vị bán đất sẽ bán giúp mảnh đất trên để lấy lãi. Do tin tưởng bị can, bà S. đã chuyển khoản cho ông Đạt số tiền trên. Sau khi nhận được tiền, bị can rút ra hết để chi tiêu cá nhân.
Chưa dừng lại ở đó, ông Đạt nói cần có tiền để làm các thủ tục hoàn thiện giấy tờ mua thửa đất nên bảo bà S. đưa thêm tiền. Nghĩ sắp được nhìn cuốn sổ đỏ đã góp vốn, bà S. đã đưa thêm 90 triệu đồng tiền mặt để rồi bị lừa.
Thấy dễ kiếm tiền, ông Đạt lại tiếp tục lừa nạn nhân. Cụ thể, tháng 1/2021, vợ chồng bà S. mua thửa đất ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làm thủ tục nộp thuế trước bạ tại Chi cục Thuế huyện Thanh Oai để chuyển quyền sử dụng đất đã lâu mà chưa có kết quả, nghĩ ông Đạt có quan hệ quen biết rộng nên chồng bà S. đã nhờ hỏi Chi cục Thuế huyện Thanh Oai xem vướng mắc gì không.
Sau đó, chồng bà S. đã chụp lại ảnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cho ông Đạt. Lợi dụng việc này, ông Đạt gửi ảnh chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trên cho chị Bùi Thị Th. (SN 1987, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhân viên điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai.
Để thuyết phục "con mồi", ông Đạt nói dối chị Th. rằng đang cùng vợ chồng bà S. góp vốn chung mua thửa đất trên với giá 1,6 tỷ đồng. Ông Đạt giới thiệu thửa đất có vị trí đẹp, đường ô tô đi qua, chủ đất còn nợ thuế đất và ông đang xin giảm thuế nên được giá rẻ, mua xong chỉ 2 tháng sau bán đi là có lãi. Nghĩ khả năng đầu tư sinh lời cao, chị Th. đã đưa cho ông Đạt 529 triệu đồng và sau đó mới ngã ngửa khi bị lừa.
Cùng khoảng thời gian đó, ông Đạt biết chị Th. có anh rể là giáo viên ở Nghệ An, đang có nguyện vọng chuyển công tác về Hà Nội, nên nói dối mình có nhiều mối quan hệ. Đạt "nổ" rằng có thể giúp anh rể chị Th. chuyển công tác về Hà Nội theo nguyện vọng, với điều kiện phải chi 250 triệu đồng.
Do đã từng giao dịch với em dâu từ trước, anh rể chị Th. tin tưởng đã chuyển 250 triệu đồng cho ông Đạt nhờ “chạy việc”. Thế nhưng, sau đó tiền thì mất còn công việc không thấy đâu, trong khi ông Đạt đã sử dụng hết số tiền trên vào công việc cá nhân.