Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mưa to đến rất to. Mưa kéo dài, nước trên thượng nguồn đổ về nhiều khiến mực nước các con sông, suối dâng cao, chảy xiết. Hòa trong dòng nước lũ cuồn cuộn là rất nhiều các loại tôm, cá, chim, chuột đồng nên không ít người dân tranh thủ rủ nhau ra sông, suối đánh bắt.
Trong những ngày mưa lũ, theo quan sát của phóng viên, trên một số con sông, suối tại tỉnh Thừa Thiên Huế như sông Hương, sông Bồ, đầm phá Tam Giang… dù nước lũ rất lớn nhưng bỏ mặc phía sau sự nguy hiểm, người dân vẫn đứng bên mép nước, thậm chí liều mình xuống dòng nước đang chảy xiết để mong ‘săn’ được nhiều cá, chim, chuột đồng mà không hề có phao cứu sinh, hoặc phương tiện bảo hộ nào.
Tham gia bắt cá không chỉ cánh thanh niên, đàn ông mà có cả những chị em phụ nữ, thậm chí còn có người già và trẻ em. Phương thức bắt cá cũng khá đơn giản, chỉ một chiếc nhá (vó) với diện tích mặt lưới chừng một mét vuông và một chiếc giỏ đựng cá đeo sát bên người là có thể “tác chiến” độc lập bên dòng nước lũ.
Tai nạn luôn rình rập những người đánh cá mưu sinh trong lũ lụt |
Chứng kiến cảnh người dân bất chấp nguy hiểm, đánh cá bên dòng nước đang cuồn cuộn chảy, nhiều người không khỏi rùng mình và lo lắng cho họ. Tuy nhiên, người dân khi được hỏi cho biết, việc đánh nhá bắt cá vào những ngày mưa lũ là điều “bình thường”.
"Ngày mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mang theo nhiều tôm cá hơn ngày bình thường. Biết việc bắt cá trong thời điểm nước lũ chảy xiết rất nguy hiểm, nhưng vì để cải thiện bữa ăn và cuộc sống mưu sinh, nên bà con vẫn làm. Lúc đầu mới xuống mép nước cũng thấy sợ, nhưng bắt được nhiều cá cũng ham và đi nhiều lần cũng thành quen" - anh Nguyễn Văn Nam ở huyện Phú Vang chia sẻ.
Sau một ngày “làm việc” vất vả, thành quả mà người dân mang sự sống của bản thân ra đùa với thủy thần hung dữ trên dòng sông mỗi mùa nước lũ về là những con cá, con tôm đầy ắp trong giỏ.
Dẫu biết rằng, những người dân nghèo chỉ muốn kiếm thêm nguồn lương thực cải thiện bữa ăn cho gia đình trong những ngày mưa lũ hoặc có thể kiếm dăm ba chục ngàn hay cả trăm ngàn nhưng với sự chủ quan và chỉ cần sơ sẩy một chút thôi hoặc lội trúng đoạn nước xoáy thì họ có thể gặp sự cố đáng tiếc trong tích tắc.
Chính quyền địa phương đã kịp thời nhắc nhở, cấm người dân đánh bắt tôm, cá trong thời điểm này nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra |
Mới đây, ngày 12/11 tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xảy ra vụ lật ghe khi đi thả lưới bắt cá khiến hai người thiệt mạng. Hai thi thể được tìm thấy gồm anh Hoàng Văn Quý (40 tuổi) và cháu trai Hoàng Bình (12 tuổi). Được biết, khu vực cánh đồng nơi hai nạn nhân bị đuối nước, nước lũ dâng cao đến trên 2m.
Trước đó, cũng tại huyện Phong Điền có trường hợp chết do đi bắn chim. Nạn nhân là anh Dương Phước Hải (31 tuổi, trú thị trấn Phong Điền). Cụ thể, tối 7/10, anh Hải cùng 2 người khác chèo thuyền đi bắt chim ngoài cánh đồng. Gió mạnh khiến thuyền bị lật. Hai người đi cùng bơi được vào bờ, còn anh Hải bị nước cuốn trôi mất tích, đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
Tương tự tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế có trường hợp đi bắt chuột đồng bị lật ghe. Cụ thể, khoảng 19h ngày 12/10, anh Nguyễn Duy Thanh (SN 1968) và Nguyễn Văn Đính (1980, cùng trú tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang), trong lúc đi bắt chuột đồng cùng với 1 thanh niên khác ở khu vực Văn Giang, xã Phú Lương, không may gặp nước lũ chảy xiết làm lật ghe khiến 2 anh Thanh - Đính mất tích, người còn lại bơi vào bờ. Ngày 13/10, lực lượng chức năng địa phương đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân bị mất tích trong vụ lật thuyền.
Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã kịp thời nhắc nhở, cấm người dân đánh bắt tôm, cá trong thời điểm này nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thiết nghĩ, để bảo vệ an toàn tính mạng người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ chính mình và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.