Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 6/5: Tiết kiệm điện, vấn đề không của riêng ai |
Cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác, nguồn điện ở Nhật Bản cũng khá đa dạng nhằm đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế. Theo thống kê, trong cơ cấu nguồn điện của Nhật Bản thì điện khí đứng đầu, sau đó là đến nhiệt điện than và các nguồn điện khác. Trong đó điện hạt nhân chiếm khoảng 6%, giảm đáng kể sau sự cố Fukushima.
Những khó khăn về nguồn nhiên liệu và các yếu tố môi trường đã mở ra cơ hội cho Nhật Bản phát triển năng lượng tái tạo. Trong 10 năm qua, tỷ trọng của nguồn năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp đôi, từ 9,5% vào năm 2010 lên 18% vào năm 2020. Nhưng cũng chính vì điều này, tỷ lệ sử dụng của nhiệt điện bị giảm và khả năng sinh lời kém đi dẫn đến các nhà máy nhiệt điện lần lượt bị xóa bỏ, hoặc tạm dừng hoạt động. Năm 2021, 13 nhà máy điện lớn các loại đã ngừng lại, với tổng công suất dự kiến khoảng 10 triệu kW.
Trong 5 năm qua, công suất cung cấp của các nhà máy nhiệt điện đã giảm khoảng 16 triệu kW (tương ứng cho 5,4 triệu hộ gia đình).
Nhu cầu điện vẫn tăng cả trong mùa hè và mùa đông, trong khi nguồn cung giảm. Thêm vào đó đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này kéo theo nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện tại Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn. Gần đây cuộc xung đột Nga - UKraine đã làm sâu sắc thêm mối quan ngại về một nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Đây chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản đang có nguy cơ thiếu điện trên toàn quốc vì khả năng dự trữ thấp. Việc xây dựng thêm các nhà máy mới cần thời gian. Trong khi việc khởi động một số tổ máy điện hạt nhân (đã được kiểm định tính an toàn) cũng gặp khó khăn vì rất nhiều lý do như sự đồng ý của địa phương, kế hoạch kiểm tra định kỳ và các yêu cầu an ninh khác...
Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần kêu gọi tiết kiệm điện. Đơn cử như sau sự cố động đất bờ biển Đông Bắc Nhật Bản vào giữa tháng 3/2022, nhiều nhà máy nhiệt điện dừng hoạt động, Chính phủ đã kêu gọi khẩn cấp đối với người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương về việc tiết kiệm điện.
Và mới đây, ngày 7/6/2022, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình trên cả nước tiết kiệm điện do khả năng thiếu điện trong mùa Hè và mùa Đông này. Thực tế vào đầu năm 2021, Liên đoàn các Công ty Điện lực Nhật Bản (FEPC) đã thông báo 2 lần về hiện trạng cung cấp điện và đề nghị tiết kiệm điện.
Tiết giảm điện ở những tuyến phố tại Nhật Bản |
Theo Cơ quan Điều phối Truyền tải điện khu vực của Nhật Bản - OCCTO, trong trường hợp mùa đông khắc nghiệt, tỷ lệ dự trữ trong khu vực quản lý thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO Holdings) vào tháng 1/2023 là âm 0,6%. Tỷ lệ dự trữ cho biết mức độ biên cung đối với nhu cầu điện năng. Nguồn cung cấp ổn định ít nhất cần 3%.
Dự kiến, vào tháng 1/2023, 6 khu vực phía Tây Nhật Bản từ Chubu đến Kyushu chỉ có 1,3% dự trữ. Cần 3,5 triệu kW để nâng tỷ lệ dự trữ của 7 công ty điện lực, bao gồm cả TEPCO lên 3%, ước tính tương đương với lượng điện sử dụng của 1,1 triệu hộ gia đình.
Để tăng thêm nguồn cung, dự kiến, Nhật Bản sẽ thu hồi lại quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện vào mùa đông (năm 2021) nhưng những nhà máy này cũng đã cũ và rất dễ gặp sự cố.
Nguy cơ thiếu điện, Nhật Bản kêu gọi tiết kiệm |
Hiện tại, Nhật Bản đang xem xét đến tháng 1/2023 sẽ khởi động lại 1,5 triệu kW nhiệt điện. METI đang xem xét liệu phần còn lại có được bù vào khi chạy thử nhà máy nhiệt điện mới hay không. Tuy nhiên, cũng không thể trông cậy vào hết khi những nhà máy này hoạt động không ổn định. Và cũng đưa ra giả định, nếu ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, thì sẽ có thêm hơn 4 triệu kW nhiệt điện bị ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị xem xét tái khởi động các tổ máy điện hạt nhân và tính toán phương án xây dựng các dự án mới.
Để giảm bớt tình trạng thắt chặt cung - cầu điện, METI đang chuẩn bị lệnh hạn chế sử dụng các hình phạt đối với các công ty lớn và chuẩn bị cho kế hoạch mất điện. Nếu điện không được đảm bảo, các ngành sản xuất sẽ chuyển ra khỏi đất nước và kế hoạch khử cacbon theo cam kết COP26 sẽ gặp thách thức.
Và một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đã triển khai đó là kêu gọi người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm.