CôngThương - Lạng Sơn là một trong những tỉnh biên giới, nơi được giới buôn lậu coi là “cổng vào” của các loại hàng lậu trong đó có gia cầm. Ông Nguyễn Thắng Lợi, Ủy viên Thường trực BCĐ 127, PGĐ Sở Công Thương - kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về virus H7N9 trên các phương tiện thông tin đại chúng và công văn chỉ đạo của Bộ NN&PTNT (mặc dù hiện tại chưa có công văn chỉ đạo chính thức của UBND tỉnh). Tuy nhiên với vai trò là cơ quan thường trực đầu mối về ngăn chặn gia cầm nhập lậu, Chi cục QLTT Lạng Sơn đã sẵn sàng tính tới các phương án chốt chặt biên giới đối với gia cầm nhập lậu.
PV: Việc triển khai cụ thể của lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã được tiến hành ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thắng Lợi: Lạng Sơn là phên giậu trong công cuộc chống buôn lậu nói chung và trong giai đoạn này, tỉnh đặc biệt quan tâm đến chống buôn lậu gia cầm. Mới đây nhất, tất cả các ban, ngành của tỉnh đã họp về phương án chống buôn lậu gia cầm. Từ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lực lượng liên ngành đã triển khai mua thêm bạt, cắm thêm chốt. Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Chống từ việc các đối tượng chở gia cầm trên xe máy, xe thồ tại các đường vòng, đường tránh. Ngăn chặn trên các tuyến đường mòn, đường tắt. Nhờ sự giúp đỡ của Công an, chúng tôi đã bắt giữ được nhiều vụ buôn bán gia cầm nhập lậu.
Gà vẫn tiếp tục nhập lậu qua biên giới. Ảnh minh họa. |
PV: Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu gia cầm hiện nay có gì mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Thắng Lợi: Tình trạng buôn lậu gia cầm hiện không còn “rầm rộ” như trước. Tuy nhiên, vì buôn lậu gia cầm thải loại dẫn tới siêu lợi nhuận, các đối tượng vẫn tiếp tục buôn lậu, thuê người vận chuyển. Thủ đoạn mới của các đầu nậu là “khoán” cho các đối tượng vận chuyển. Các đối tượng này phải đặt cọc tiền khi vận chuyển lô hàng, nếu để mất hàng thì sẽ mất luôn tiền đặt cọc đó. Thậm chí, các đối tượng còn cử người theo dõi lực lượng chức năng, ngồi ngay bên ngoài trụ sở, khi cán bộ của mình đi ra ngoài, các đối tượng này (thường được gọi tiếng lóng là “chim lợn”) sử dụng bộ đàm để thông báo cho nhau, tránh sự kiểm tra. Thậm chí, các đối tượng còn tổ chức “bọc lót” cho xe buôn lậu. Ví dụ xe chở gia cầm nhập lậu đi trước, các đối tượng cử thêm 1-2 xe không hàng đi sau, khi thấy có lực lượng chức năng, các xe không hàng này lạng lách, cản đường. Thậm chí dùng xe ôtô của mình để chèn, cản xe của chúng tôi. Có trường hợp khi bị bắt, các đối tượng gọi đông người tới, miệng thì xin, tay thì kéo, những đối tượng bên ngoài bê lồng gà chạy mất...
PV: Công tác chống buôn lậu gia cầm, đặc biệt là gia cầm thải loại, nhiễm bệnh còn có khó khăn nào nữa, thưa ông?
Ông Nguyễn Thắng Lợi: Từ thực tiễn công tác, chúng tôi thấy rằng, việc bảo hộ cho cán bộ, nhân viên chống buôn lậu gia cầm “có cũng như không”. Khi xử lý các vụ buôn bán gia cầm nhập lậu, cán bộ liên ngành hầu như không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào. Bởi lẽ, do yêu cầu nghiệp vụ, khi phát hiện xe chở gia cầm lậu, anh em phải xử lý ngay, không có thời gian mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang... Do đó, nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm sang các cán bộ thực hiện nhiệm vụ rất cao.
PV: Như vậy, nguy cơ gia cầm nhập lậu vào sâu nội địa vẫn còn. Từ đó, nguy cơ virus cúm gia cầm có thể lây lan sang người buôn lậu, cán bộ chống buôn lậu là rất cao. Để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, theo ông, chúng ta phải làm gì?
Ông Nguyễn Thắng Lợi: Có cầu mới có cung. Để giải quyết căn cơ vấn đề buôn lậu gia cầm thì chúng ta phải chủ động cung ứng đủ gia cầm cho nhu cầu trong nước; phải có chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi, các trang trại, cơ sở nuôi gia cầm. Vì sao con gà là vật nuôi truyền thống của người châu Á nói chung và của người dân Việt Nam nói riêng mà mình lại không chăn nuôi đủ để ăn, để gà nhập lậu tràn về. Quan trọng là đưa ra cơ chế chính sách như thế nào, đặc biệt là với những doanh nghiệp khép kín, gồm từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến việc chăn nuôi gia cầm. Tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn, ưu đãi cấp đất làm trang trại nuôi gà. Để giải quyết căn nguyên vấn đề chống buôn lậu nói chung trước hết phải giải bài toán sản xuất trong nước.
Cái thứ hai là với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp hành chính, phải ngăn chặn ngay từ biên giới, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “thả gà ra đi đuổi”. Khi các đối tượng chở gia cầm lậu trên các phương tiện hiện đại, từ xe 4 chỗ, 9 chỗ, xe tải nhẹ… chạy trốn trên đường với tốc độ rất lớn, có sự cản đường như vậy thì việc truy đuổi gặp rất nhiều khó khăn nếu các cơ quan chức năng không được tăng cường thêm lực lượng, phương tiện.
60% mẫu gà thải loại dương tính với virus H5N1 Báo cáo sơ bộ về việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu 3 tháng đầu năm 2013 cho thấy, một số tỉnh sát biên giới vốn là địa bàn trọng điểm trước kia như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đã giảm được trên 90% số lượng nhập lậu. 100% số hộ kinh doanh gia cầm tại Hà Nội đã ký cam kết không kinh doanh gà thải loại. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ NN&PTNT đã công bố kết quả xét nghiệm cúm gia cầm H5N1 đối với gà nhập lậu, kết quả là rất đáng lo ngại. Đối với lô gà giống bắt giữ tại Lạng Sơn, 2/10 mẫu đã dương tính với virus H5N1, tỷ lệ 20%. Đối với gà thải loại, 35/60 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ gần 60%. |