Hà Nội: Còn nhiều 'nút thắt' trong thu hút đầu tư, quản lý chợ Hà Nội: Chợ dân sinh Phú Đô xây dựng tiền tỉ bị bỏ hoang nhiều năm |
Chợ Siêu thị Đà Nẵng là chợ tư nhân đầu tiên tại TP. Đà Nẵng, hiện có gần 500 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Giá thuê mặt bằng hiện tại là 360 nghìn đồng/m2/tháng (gấp đôi so với chợ truyền thống do nhà nước đầu tư). Do giá thuê đất tăng cao trong chu kỳ 2020 – 2024, đơn vị đầu tư, quản lý chợ là Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng đã có đề xuất phương án giá thuê mới là 681 nghìn đồng/m2/tháng, song Sở Tài chính thành phố lại trình UBND thành phố phương án giá ở mức 393 nghìn đồng/m2/tháng. Theo đại diện chủ đầu tư mức giá này quá thấp, còn tiểu thương thì lại phản đối vì mức giá này cao.
Buôn bán ế ẩm trong khi giá thuê mặt bằng lại tăng, gần 500 tiểu thương tại chợ Siêu thị Đà Nẵng thấp thỏm lo lắng |
Tiểu thương lo lắng
Được chuyển từ chợ Siêu thị Bài Thơ (cũ) sang chợ Siêu thị Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu, đến nay đã hơn 12 năm, những ngày này, tiểu thương Trần Thị Lụa (hàng rau, lô 206, chợ Siêu thị Đà Nẵng) vừa buôn bán vừa thấp thỏm lo lắng về tương lai của quầy hàng mình. “Ban quản lý chợ thông báo trên loa là thành phố không còn hỗ trợ tiền thuê đất, vì vậy, công ty sẽ tăng tiền thuê mặt bằng lên 40% để bù đắp tiền nộp cho thành phố, và truy thu khoản này từ tháng 6 – 9/2023”, bà Lụa thông tin.
Tăng tiền thuê mặt bằng lên 40% đang là lo lắng chung của các tiểu thương tại chợ. Theo các tiểu thương, giá thuê mặt bằng đã được điều chỉnh tăng nhiều lần (theo từng chu kỳ) nhưng thực tế tình hình buôn bán của tiểu thương lại đi xuống. “Mấy năm đầu thì buôn bán được, nhưng bây giờ hàng rong quá nhiều, ngồi xung quanh chợ. Bên cạnh đó, việc xây hầm chui Điện Biên Phủ cũng gây bất tiện, nếu người dân muốn vào chợ thì phải đi đường vòng nên họ cũng không muốn qua đây. Vì vậy, tình hình buôn bán những năm gần đây cầm chừng. Hồi buôn bán tốt 10 phần thì giờ chỉ còn 3”, bà Lụa nói và cho biết, nếu như buôn bán tốt thì tiểu thương cũng không khó khăn gì chuyện tăng thu thêm 40%, nhưng bây giờ buôn bán đi xuống, dẹp hàng rong thì không làm được, mà còn tăng thêm tiền thuê đất, rồi điện nước các loại là gánh nặng rất lớn cho tiểu thương.
“Trước chúng tôi ở chợ công (chợ nhà nước) giá thuê thấp, thành phố kêu gọi sang chợ này để giải tỏa chợ cũ, sang chợ này là chợ tư nhân giá thuê đã gấp đôi, giờ lại muốn tăng giá. Nếu thành phố không có hỗ trợ giá thuê, công ty vẫn tăng thu mặt bằng thêm 40%, tiểu thương không trả nổi tiền thuê thì sẽ trả mặt bằng, ra đường bán. Không lẽ giờ đang buôn bán đi nghỉ, nghỉ rồi lấy gì mà ăn”, một tiểu thương hàng rau chợ siêu thị Đà Nẵng nói.
Tiểu thương Thu Thảo (hàng quần áo, tầng 2, chợ Siêu thị Đà Nẵng) cho biết, tình hình buôn bán tại chợ truyền thống ngày một khó khăn khi cạnh tranh với thương mại điện tử, các cửa hàng chuyên doanh. “Buôn bán đi xuống mà tiền thuê mặt bằng tăng thì tiểu thương chịu sao nổi. Chúng tôi cũng đã tập trung lên bộ phận 1 cửa của Trung tâm hành chính thành phố phản ánh nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ban Quản lý thì thông báo nếu không tăng thu thêm 40% thì sẽ cắt điện, cắt nước, vậy coi như là cắt luôn kinh doanh của tiểu thương”, bà Thảo thông tin và mong muốn UBND thành phố sẽ có giải pháp để hài hòa giữa lợi ích của thành phố với chủ đầu tư siêu thị, có tính đến đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho gần 500 tiểu thương tại chợ buôn bán.
Nếu không thống nhất được giải pháp và giá thuê mặt bằng hài hòa lợi ích giữa thành phố Đà Nẵng, Chủ đầu tư và các tiểu thương thì chợ Siêu thị Đà Nẵng sẽ phải tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2023 |
Cần một câu trả lời từ lãnh đạo thành phố
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng cho biết, trong chu kỳ giá đất năm 2014 – 2019, đơn vị nộp tiền thuê đất cho thành phố là 582 triệu đồng/năm (đơn giá thuê 221.670 đồng/m2/năm). Cũng trong giai đoạn này, UBND TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ một phần tiền thuê đất và thuê mặt bằng cho tiểu thương tại chợ (gồm cả trực tiếp và gián tiếp) là gần 1,16 tỷ đồng/năm.
“Chu kỳ 2020 – 2024, tiền thuê đất đã tăng từ 582 triệu lên 2,12 tỷ đồng/năm (tăng 3,6 lần). Trong khi đó, thành phố lại cắt khoản hỗ trợ một phần tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương. Vì vậy, công ty phải tăng tiền thuê mặt bằng để bù đắp một phần tiền thuê đất cho thành phố”, ông Hoàng nói và cho rằng mức giá Sở Tài chính đưa ra là quá thấp so với mặt bằng giá thuê chung tại các chợ truyền thống do tư nhân đầu tư trong cả nước. Bên cạnh đó, nếu đơn giá này được áp dụng từ đầu năm 2023 thì tiền thuê mặt bằng của tiểu thương chỉ bù đắp được 52% tiền thuê đất công ty phải trả cho thành phố, đó là điều bất hợp lý. “Công ty hiện đang phải chịu áp lực rất lớn khi Cục Thuế thành phố phát thông báo truy thu tăng thêm trong 3 năm 2020 – 2022 là hơn 4,5 tỷ đồng. Chúng tôi đã nhiều lần trình phương án giá mới, và mong thành phố sẽ có một câu trả lời rõ ràng và phương án giá rõ ràng để có quyết định chính thức nhưng đến nay vẫn đang phải đợi”, ông Hoàng thông tin.
Cũng theo đại diện Công ty Chợ Siêu thị Đà Nẵng, việc điều chỉnh tiền thuê đất theo bảng giá là thành phố làm theo đúng theo quy định. Nhưng nếu điều chỉnh tiền thuê đất tăng rất cao mà lại đưa ra bảng giá quy định mức thuê mặt bằng của tiểu thương thấp thì không hợp lý, chủ đầu tư không đủ chi phí để trả tiền thuê đất cho thành phố cũng như các khoản phải đóng khác. “Nếu thành phố thông qua phương án giá thuê mới là 393 nghìn đồng/m2/tháng thì đề nghị thành phố xem xét duy trì khoản hỗ trợ 1,16 tỷ đồng/năm tiền thuê đất, thuê mặt bằng cho tiểu thương. Nếu thành phố vẫn duyệt mức thuê 393 nghìn đồng/m2/tháng và không còn khoản hỗ trợ trên thì chợ buộc phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 12/2023 vì không đủ nguồn lực tài chính để hoạt động”, ông Hoàng nói.