Nga chặn đường tiếp viện, ‘siết’ vòng vây Ukraine ở trọng điểm Donetsk
Theo TASS, ngày 26/9, ông Vladimir Rogov, lãnh đạo phong trào “We Are Together with Russia”, tuyên bố: "Tất cả các tuyến đường mà đối phương sử dụng để tiếp tế nhân lực, vũ khí, đạn dược cho Vuhledar đã bị cắt đứt hoặc nằm dưới sự kiểm soát của Nga". Theo ông, quân đội Nga hiện đã chiếm hơn 1/3 diện tích Vuhledar. "Lực lượng Ukraine đang ẩn náu, né tránh giao tranh trực tiếp và chỉ còn khả năng phản công bằng máy bay không người lái cảm tử, pháo binh và hệ thống phóng loạt tên lửa (MLRS)."
Lực lượng Ukraine khai hỏa pháo ở Donetsk. Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Vuhledar - điểm hậu cần chiến lược quan trọng ở phía nam Donetsk - đang diễn ra ác liệt. Lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông Denis Pushilin, cho biết giao tranh vẫn tiếp tục. Trong khi đó, Vadym Filashkin, Thống đốc Donetsk (do Ukraine bổ nhiệm), phủ nhận việc quân Nga đã tiếp cận vùng ngoại ô, nhưng thừa nhận các nhóm trinh sát Nga đang hoạt động gần khu vực này.
Vuhledar, nằm cách thành phố Donetsk 60-70 km về phía tây nam, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Việc Nga giành được thị trấn này sẽ là một “cú đánh chí mạng”, đẩy lực lượng Ukraine ra xa Donetsk và giảm đáng kể các cuộc pháo kích trong khu vực.
Nga đã ghi nhận tiến bộ lớn ở Donetsk trong những tháng gần đây, với tốc độ tấn công nhanh nhất kể từ khi xung đột bùng nổ. Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Washington) cho rằng, dù Nga có tăng cường áp lực lên Vuhledar, việc chiếm được thị trấn này sẽ không thay đổi đáng kể cục diện tổng thể.
Tuy nhiên, nếu Ukraine để mất Vuhledar, điều này không chỉ là cú sốc lớn về tinh thần mà còn là một bước ngoặt nguy hiểm, đe dọa toàn bộ khu vực phía tây nam Donetsk do Kiev kiểm soát, đồng thời mở ra nguy cơ đối với sườn phía nam của Pokrovsk.
Trong bối cảnh đó, Nga ngày càng gia tăng áp lực. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội đã giành quyền kiểm soát khu định cư Ukrainsk thuộc DPR, lần đầu tiên xác nhận chiếm được khu vực này. Ukrainsk là điểm chiến lược, nằm cách ngã ba đường sắt Tsukurikha - nơi Ukraine sử dụng làm điểm tiếp tế quan trọng cho lực lượng ở Donbass - chỉ 4 km. Cuộc chiến ở Vuhledar tiếp tục leo thang, với các trận tấn công qua lại dữ dội, đẩy cả hai bên vào cuộc đối đầu sinh tử, định đoạt tương lai của miền đông Ukraine.
'Bỏ ngoài tai' lời kêu gọi quốc tế, chiến trường Israel - Hezbollah vẫn 'rực lửa'
Theo Washington Post, ngày 26/9, bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn, xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) tiếp tục leo thang với những cuộc không kích và tấn công qua lại, khiến hàng trăm người thương vong.
Khói bốc lên sau cuộc tập kích của Israel vào thị trấn Marjayoun, miền nam Lebanon. Ảnh: AP |
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã tấn công khoảng 220 mục tiêu của Hezbollah chỉ trong vòng 24 giờ qua. Tại biên giới Israel-Lebanon, IDF còn tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn, mô phỏng kịch bản đổ bộ vào Lebanon, dấu hiệu cho thấy khả năng leo thang thành chiến dịch trên bộ là rất cao.
Thiếu tướng Tomer Bar, Tư lệnh Không quân Israel, khẳng định không quân sẵn sàng yểm trợ IDF trong mọi tình huống chiến dịch trên bộ, đồng thời ngăn chặn mọi nỗ lực chuyển giao vũ khí từ Iran cho Hezbollah. "Chúng tôi đã sẵn sàng sát cánh cùng Bộ Tư lệnh miền Bắc cho một cuộc tấn công trên bộ," ông tuyên bố.
Phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng chiến dịch sẽ không dừng lại cho đến khi Israel đạt được mọi mục tiêu, bao gồm việc đưa người dân miền bắc Israel trở về nhà an toàn.
Bất chấp nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 21 ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz tuyên bố trên mạng xã hội X: "Sẽ không có lệnh ngừng bắn nào ở phía bắc."
Số liệu từ Bộ Y tế Lebanon cho biết, riêng trong ngày 26/9, các cuộc không kích của Israel đã khiến 92 người thiệt mạng và 153 người khác bị thương. Hezbollah cũng xác nhận một chỉ huy cấp cao của họ, ông Muhammad Hussein Srour, đã tử trận trong một cuộc không kích vào ngoại ô thủ đô Beirut. Cùng ngày, Hezbollah tiếp tục đáp trả mạnh mẽ bằng cách phóng hơn 150 quả rocket vào Israel, khiến còi báo động vang lên khắp miền bắc Israel cả ngày.
Xung đột đẫm máu vẫn tiếp diễn trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ gây sức ép lên Israel để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng đã kêu gọi công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon trước nguy cơ xung đột gia tăng.
Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh tổng lực tại Trung Đông
Theo Sky News, ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng hiện có nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực giữa phong trào Hezbollah ở Liban và Israel, song vẫn còn cơ hội cho giải pháp ngoại giao.Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Anh và Australia tại London, ông Austin nhận định một cuộc chiến quy mô lớn có thể gây tổn thất nặng nề cho cả Israel và Liban.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lyod Austin. Ảnh: CNN |
Ông Austin nhấn mạnh: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Israel và Liban vẫn có thể chọn một con đường khác. Mặc dù căng thẳng đã leo thang nghiêm trọng trong những ngày gần đây, song giải pháp ngoại giao vẫn khả thi."
Khi được hỏi về "lằn ranh đỏ" đối với sự hỗ trợ của Mỹ cho Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ không thay đổi cam kết giúp Israel tự vệ và bảo vệ lãnh thổ của nước này.
Trong một diễn biến có liên quan, hai nguồn tin an ninh cho biết Chỉ huy một trong những đơn vị không quân của Hezbollah, Mohammad Surur, đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban vào chiều 26/9.
Trước đó, cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết đang tiến hành các cuộc tấn công vào thủ đô của Liban. Truyền thông Liban đưa tin, cuộc không kích của Israel đã đánh trúng một tòa nhà ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut, đồng thời cho biết thêm rằng các cơ quan cứu trợ khẩn cấp đang khắc phục hậu quả của cuộc tấn công này.
Bà Harris lên tiếng việc ‘đổi lãnh thổ lấy hòa bình’ tại Ukraine
Theo The Hill, ngày 26/9, ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có cuộc gặp thứ 7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tái khẳng định rằng sự ủng hộ của bà đối với người dân Ukraine là “không thay đổi”. Bà Kamala Harris cho rằng, việc Ukraine trao quyền kiểm soát lãnh thổ là công thức cho “sự đầu hàng”, không phải hòa bình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại cuộc họp báo ngày 26/9. Ảnh: AP |
Bà Harris nhấn mạnh: “Mỹ không thể và không nên cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới vì cô lập không phải là sự bảo vệ.” Vì vậy, theo ứng cử viên đảng Dân chủ, việc Washington ủng hộ Kiev không phải vì lòng từ thiện, mà vì đó là lợi ích chiến lược quốc gia và Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh mà Ukraine cần để thành công trên chiến trường.
Bà Harris chia sẻ thẳng thắn rằng ở Mỹ “có một số người muốn ép Ukraine từ bỏ phần lớn lãnh thổ có chủ quyền, yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập và từ bỏ các mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác”. Tuy nhiên, theo bà Harris, “đây không phải là các đề xuất vì hòa bình. Thay vào đó, chúng là những đề xuất đầu hàng, điều này nguy hiểm và không thể chấp nhận được”.
Trước đó khi chia sẻ trong podcast phỏng vấn được kênh YouTube "The Shawn Ryan Show" phát ngày 12/9, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa J.D. Vance khẳng định ông Trump sẽ ngồi xuống bàn đàm phán với các lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu về “sự dàn xếp hòa bình”.
Thượng nghị sĩ bang Ohio mô tả thỏa thuận mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi, bao gồm một số điều khoản chính: Nga được giữ lại các khu vực đã chiếm đóng và hai bên thiết lập khu phi quân sự dọc ranh giới chiếm đóng của quân đội hai nước trên chiến trường.
Theo New York Times, bình luận về những đề xuất khép lại chiến sự với Liên bang Nga của ông Vance, Tổng thống Ukraine cho rằng đó là một ý tưởng không tốt, có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu. Theo ông Volodymyr Zelensky: “Bất cứ ứng viên Tổng thống hay Phó Tổng thống Mỹ nào cho rằng việc chấm dứt chiến sự bằng cách khiến Kiev từ bỏ lãnh thổ, đều phải chịu trách nhiệm về khả năng gây ra một cuộc chiến toàn cầu. Bởi vì người đó sẽ có ngụ ý với thế giới rằng hành vi như vậy là chấp nhận được."
Ông Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Ukraine Zelensky
Theo The New York Times, Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào sáng 27/9 tại Trump Tower ở New York. "Tôi sẽ gặp ông ấy vào sáng mai lúc 9h45 tại Trump Tower", hãng tin RT dẫn tuyên bố của ông Trump trong cuộc họp báo ở thành phố New York vào chiều ngày 26/9.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Newsweek |
Trước đó cùng ngày, ông Trump đã đăng một tin nhắn từ phó đại sứ Ukraine tại Mỹ, chuyển tiếp yêu cầu gặp mặt của Tổng thống Zelensky tới nền tảng Truth Social của cựu Tổng thống Mỹ. "Ông Donald Trump thân mến, tôi hy vọng ông vẫn khỏe. Tôi nhớ cuộc điện đàm gần đây của chúng ta, nó thực sự rất tốt. Tất cả chúng tôi ở Ukraine đều muốn kết thúc xung đột trong hòa bình công bằng. Và chúng tôi biết rằng nếu không có Mỹ, điều này không thể đạt được. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng hiểu nhau, và giữ liên lạc chặt chẽ", ông Zelensky viết. Tổng thống Ukraine cho biết thêm, ông thực sự tôn trọng và mong muốn có cuộc gặp với ông Trump.
Ngày 26/9, Tổng thống Ukraine đã có cuộc họp với cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Trong khi đó, cả ông Trump và người bạn đồng hành của ông, Thượng nghị sĩ JD Vance của Ohio, đều chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
Tổng thống Biden đã công bố gói hỗ trợ gần 8 tỷ USD mới cho Ukraine. Tổng thống Zelensky gọi đây là "một sự giúp đỡ lớn". Khoản viện trợ này bao gồm 5,5 tỷ USD do tổng thống chỉ đạo Bộ Quốc phòng "phân bổ toàn bộ số tiền hỗ trợ an ninh còn lại đã được phân bổ cho Ukraine vào cuối nhiệm kỳ", cũng như 2,4 tỷ USD hỗ trợ an ninh quốc gia. Tổng thống cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công chung, có khả năng tấn công tầm xa, cùng với các biện pháp an ninh khác.
Tổng thống Biden tuyên bố trước cuộc gặp với ông Zelensky: "Tôi xin nói rõ: Nga sẽ không thắng thế trong chiến tranh. Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong mọi bước đi.” Chuyến thăm Nhà Trắng đã nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 9, ông Trump được hỏi hai lần liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến hay không. Cả hai lần ông đều né tránh câu hỏi, tránh nói rằng ông muốn đồng minh của Hoa Kỳ giành chiến thắng. Thay vào đó, ông nói, "Tôi muốn chiến tranh chấm dứt".