Đó là thông tin tại Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất với chủ đề “Make in Vietnam - Cơ hội và thách thức”, vừa được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế JASSO, thủ đô Tokyo. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Diễn đàn do Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Diễn đàn là nơi kết nối và quy tụ cộng đồng trí thức Việt tại Nhật Bản để cùng thảo luận về những vấn đề tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp, từ chính sách vĩ mô đến công nghệ, sản phẩm cụ thể có thể áp dụng tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước trao đổi thông tin với cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản để cùng thảo luận về những cơ hội hợp tác, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Diễn đàn Trí thức Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Nhật Bản |
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Solfware cho biết, tại diễn đàn lần này có 957 nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, sinh viên... đang học tập làm việc tại Nhật Bản đăng ký tham dự. Hiện nay, cộng đồng người Việt trên toàn Nhật Bản có khoảng trên 350.000 người (đông đứng thứ 3 tại Nhật Bản chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc), đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật.
Trong đó, có khoảng 50.000 người là thành phần trí thức bao gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia tại các công ty hàng đầu ở Nhật Bản cũng như những doanh nhân khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Đây là nguồn lực đặc biệt cho nền khoa học và công nghệ nước nhà.
“So với những năm 1990 khi cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản chỉ có trên dưới 100 người thì có thể thấy cộng đồng trí thức trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ trí thức tạo nên đòi hỏi khách quan để thành lập các hội khoa học, trí thức Việt Nam, nổi bật là VANJ, VPJ, VYSA” - ông Hoàng Nam Tiến nhận định.
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - khẳng định, lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức chính là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Tính đặc biệt của tài nguyên chất xám được thể hiện ở chỗ nếu biết khai thác thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ vô cùng to lớn, song nếu không biết cách phát huy, thì tài nguyên này sẽ chị hao mòn dần, và thậm chí bị mất đi theo thời gian. Trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, những người không quản ngày đêm khắc phục những khó khăn, thử thách, luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, có những đóng góp to lớn đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời gian qua, Bộ đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong đó, bao gồm hành lang pháp lý để thu hút, trọng dụng các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.