Thường xuyên đến siêu thị mua đồ, bà Nguyễn Thị Mai (TP Vị Thanh) tỉnh Hậu Giang cho biết thời gian gần đây, gia đình bà ngày càng ưa chuộng phẩm Việt Nam hơn. Điều chủ yếu là vì chất lượng của các sản phẩm đang được cải thiện đáng kể, giá cả cũng phải chăng hơn so với hàng nhập khẩu.
“Hiện nay, tại các hệ thống siêu thị hội tụ tất cả các hàng hóa, từ rau củ quả đến thịt, cá và hàng thời trang, đồ dùng gia đình với giá cả phải chăng, phù hợp. Mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến, nâng cấp để thu hút và giữ chân người tiêu dùng mỗi khi đến siêu thị”, bà Mai cho biết.
Theo các ngành chức năng Hậu Giang, thời gian qua hàng Việt Nam đã có sự cải tiến, không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao, mà còn khẳng định được vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Ảnh minh họa |
Cụ thể tại một số siêu thị như Co.opmart, Winmart và Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, hàng Việt Nam đang áp đảo khi chiếm tỷ lệ từ 90 – 95%. Nhiều sản phẩm của Hậu Giang như: Gạo sạch Vị Thủy, cá thát lát rút xương, bún khô Huỳnh Đức, rượu truyền thống Út Tây… được đa số người tiêu dùng đánh giá cao bởi sự tiện dụng, chất lượng và nhanh chóng được thêm vào giỏ hàng của nhiều người nội trợ.
Điều này cho thấy rằng, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Đây không chỉ là kết quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà còn bởi hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Từ thực tế kinh doanh, các nhà sản xuất và phân phối cũng chỉ ra, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe. So với hàng nhập ngoại, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế riêng, bởi sự hiểu biết về thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng trong nước. Do đó, nhiều sản phẩm có giá thành phải chăng, đảm bảo chất lượng và tiện ích ra đời phục vụ nhu cầu đó. Điều này giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, và người tiêu dùng cũng đã dần tin tưởng, ưu tiên chọn lựa các sản phẩm xuất xứ Việt Nam.
Ngoài những yếu tố trên, theo ông Nguyễn Hữu Ái - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, kết quả nói trên còn do việc tổ chức các chương trình như đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt - lấy hàng Việt làm trọng tâm, chiếm từ 70-80% đã giúp hàng hóa trong nước tạo được dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, qua những lần tổ chức, người dân có cơ hội tiếp xúc với hàng sản xuất trong nước, được hướng dẫn đặc điểm cơ bản để phân biệt hàng thật, hàng nhái... Đồng thời, được tiêu dùng những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm... Điều này cho thấy, phiên chợ chính là cầu nối để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá. Cùng với đó, tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.