Với thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông gọi điện thông báo người dân có biên lai nộp phạt nguội đã có rất nhiều người suýt dính bẫy, thậm chí mất trắng số tiền không nhỏ.
Theo phản ánh của chị N. (Hà Nội) đến Báo Công Thương, ngày 16/10 chị có nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là Cục Cảnh sát giao thông đường bộ với nội dung: “Tội gọi cho chị từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ. Tôi xin thông báo là chị đang có một mã biên lai phạt nguội 70 triệu đồng và hôm nay hạn cuối chị phải đóng phạt.
Nội dung là ngày 1 tháng 9 năm 2022, chị có đến tại TP. Đà Nẵng thuê xe và lái xe mang biển số 43B-06345 lái xe quá tốc độ, vượt đèn đỏ, gây tai nạn và bỏ trốn. Hợp đồng thuê xe đứng tên của chị, hiện tại chị bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội gây án rồi bỏ trốn. Chị vui lòng làm theo hướng dẫn để nộp phạt”.
Số gọi đến là số có định dạng khác các số thuê bao của các nhà mạng. |
“Khi tôi nói, đầu tháng 9 tôi có đi Đà Nẵng công tác nhưng không liên quan đến vụ tai nạn nào, thì người này nói, công an đã lập biên lai phạt nguội có họ tên và số chứng minh nhân dân của chị. Chúng tôi đã gửi biên lai thông báo cho chị 3 lần. Yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra” - chị N. cho biết.
Khi đang chuẩn bị làm theo các bước đăng nhập vào phần mềm do đối tượng cung cấp để xem thực hư về thông tin nộp phạt thì chị N. chột dạ và dừng giao dịch. Nghi ngờ đây là hình thức lừa đảo, chị N. lên mạng tìm hiểu thì được biết, công an đã cảnh báo rất nhiều về chiêu thức lừa đảo này. Để kiểm chứng, chị N. gọi điện lại cho số điện thoại vừa gọi cho chị thì số thuê bao không liên lạc được.
“Lên mạng tìm hiểu mới thấy, đây là một hình thức lừa đảo, may mà mình còn tỉnh táo chưa bị mất tiền. Tuy nhiên, hỏi bạn bè mới biết, cũng đã có nhiều người bị gọi điện “quấy rối” với hình thức này" - chị N. cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Oanh, Ba Đình, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây chị liên tục bị các đối tượng giả danh cảnh sát giao thông thông báo có biên lai nộp phạt nguội. Khi chị bấm nghe điện thoại thì nhận được trả lời tự động từ tổng đài thông báo “đây là Cục Cảnh sát giao thông, bạn có 1 biên lai cần nộp phạt” và hướng dẫn bấm phím 9 để được hỗ trợ.
Sau khi nhấn phím 9, chị Oanh được gặp 1 người phụ nữ xưng là Cục quản lý giao thông đường bộ. Người này khẳng định chị Oanh có 1 biên lai phạt nguội và yêu cầu ra kho bạc nhà nước đóng phạt. Tuy nhiên, khi chị Oanh hỏi: Kho bạc nhà nước là nơi ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ? thì người này liền dập máy.
Không may mắn như chị N., chị Oanh, nhiều người đã mất số tiền không nhỏ với thủ đoạn lừa đảo này. Đơn cử, theo Công an quận Long Biên thành phố Hà Nội, gần đây, đơn vị này đang xác minh, điều tra vụ giả danh Cảnh sát giao thông, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 170 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 24/8, Công an phường Bồ Đề tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1980, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là Cảnh sát giao thông. Đối tượng thông báo anh T. vi phạm giao thông ở thành phố Đà Nẵng và yêu cầu anh chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra nếu không sẽ phong toả tài khoản.
Sau đó, anh T. đăng nhập vào phần mềm do các đối tượng cung cấp thì bị mất 170 triệu đồng. Biết mình bị lừa, anh T. đã đến cơ quan Công an trình báo.
Đối với việc xử lý vi phạm giao thông như trên, các đơn vị Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. |
Theo cơ quan công an, điểm chung của các vụ việc là những người bị hại nhận được những cuộc gọi từ số điện thoại lạ hoặc không xác định gọi đến tự xưng là tổng đài Cảnh sát Giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…) thông báo về việc họ có biên lai “phạt nguội” do vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Nhiều người khi nhận được tin nhắn giả mạo nêu trên đã hoang mang, lo sợ nên làm theo hướng dẫn của đối tượng xấu và bị sập bẫy lừa đảo.
Từ thực trạng trên, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo: Đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng.
Đối với các trường hợp vi phạm giao thông, tất cả các trường hợp được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng Cảnh sát Giao thông gửi thông báo bằng văn bản (phạt nguội) tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị đến đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.
Ngoài ra, khi đăng kiểm phương tiện, người điều khiển, chủ phương tiện sẽ được các cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát Giao thông phát hiện vi phạm để xử lý rồi mới tiếp tục được đăng kiểm.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông và các đơn vị Cảnh sát Giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Ông Nhật khuyến cáo “Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và chuyển tiền cho các đối tượng”.