Người phát ngôn của Bộ Công Thương trả lời nhiều vấn đề “nóng”
Tin hoạt động 31/05/2019 21:49
Việt Nam - điểm sáng trong nhóm các nước đang phát triển
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực với hầu hết các chỉ số đều đạt mức tăng trưởng cao, như: CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo |
Cùng đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc với tổng vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI.
“Những kết quả nói trên đã được nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là nước “sáng nhất” trong nhóm các nước đang phát triển, như: Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030. Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực"” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn lại lời Thủ tướng và cho biết thêm, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại nội dung phiên thảo luận toàn thể tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước với những đánh giá tích cực về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ song cũng có những ý kiến nêu ra các mặt tồn tại, bất cập. Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ nghiêm túc lắng nghe và thực hiện để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ chuẩn bị thật chu đáo các nội dung phục vụ các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại, cả từ bên trong, lẫn bên ngoài, do đó, “chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động” – ông Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng.
Đại diện Bộ Công Thương thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của báo chí
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc ngành, như: công tác xử lý đối với Công ty Khaisilk; xử lý cán bộ quản lý thị trường trong vụ Công ty Cổ phần Con Cưng; việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu vào Việt Nam…
Cụ thể, liên quan đến vụ việc tại Công ty Khaisilk, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình kiểm tra tại đơn vị này, Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) đã phát hiện trong hệ thống cửa hàng của đơn vị này có nhiều sản phẩm khăn lụa của Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và lập Tổ kiểm tra liên ngành để mở rộng điều tra hệ thống của Công ty Khaisilk trên phạm vi toàn quốc và đã phát hiện rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về những lĩnh vực của ngành Công Thương |
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, ngày 30/10/2017, cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ vụ việc này sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý” – Thứ trưởng nói và cho biết thêm: Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án và đang hoàn thiện các bước điều tra theo quy định.
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Con Cưng, Thứ trưởng Hải cho biết, qua phản ánh của doanh nghiệp, ngày 3/10/2018, Bộ Công Thương đã có Kết luận số 8056 về kết quả rà soát, kiểm tra, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty Cổ phần Con Cưng của Đoàn kiểm tra. Theo kết luận này, một số công chức quản lý thị trường đã có dấu hiệu vi phạm trong quy trình tác nghiệp. Cụ thể, một số công chức có dấu hiệu vi phạm quy định về phát ngôn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường, gây ra những hiểu nhầm, hiểu không đúng về bản chất sự việc và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Từ kết quả kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có thông báo về việc xử lý các cán bộ, công chức này bằng hình thức nghiêm khắc kiểm điểm.
Cũng trong cuộc họp báo chiều nay, làm rõ hơn về vấn đề Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây là việc hết sức bình thường đối với bất cứ quốc gia nào khi phát hiện những biểu hiện bán phá giá của hàng hoá, sản phẩm từ nước ngoài vào.
Về công tác thu mua thịt lợn sau đó cấp đông trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi.
“Hôm qua, chúng tôi đã có cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp đề bàn phương án thực hiện” – Thứ trưởng Hải thông báo và cho biết, qua cuộc họp, các thành viên thống nhất nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi việc thu mua, chế biến, cấp đông trong thời gian dài, khối lượng lớn sẽ rất khó khăn cả về năng lực, nguồn lực, hạ tầng… Hơn nữa, nhu cầu sử dụng thịt lợn cấp đông của người tiêu dùng Việt Nam chưa phổ biến dẫn đến lo ngại của các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm sau cấp đông. Tuy nhiên, với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đầu mối liên quan đã tập hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ với quan điểm sẽ triển khai nhanh nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của nguồn thịt sẽ thu mua,… để hỗ trợ người chăn nuôi và doanh nghiệp thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn.