Đẩy mạnh phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác Cả nước đã có 70 ca tử vong vì sốt xuất huyết |
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.
Sốt xuất huyết là bệnh gặp nhiều ở cả người lớn và trẻ em |
Còn tại Hà Nội, hiện cũng đã có 80 ổ dịch sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
Theo BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Trong 5 năm trở lại đây, sốt xuất huyết là bệnh gặp nhiều ở cả người lớn và trẻ em, số ca tử vong cũng gia tăng.
Cũng giống như các bệnh do virus thông thường, biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết hơi đặc biệt một chút. Đầu tiên, người bệnh có thể đau đầu, đau hốc mắt, đau mình mẩy; tiếp đến là sốt (có chủng sốt cao, có chủng sốt nhẹ); da đỏ kiểu xung huyết; đau bụng; có nốt phát ban, chảy máu cam, đi ngoài phân đen (do giảm tiểu cầu); chán ăn, mệt mỏi (do tăng men gan)…
Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, gia đình nên đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán có nên nhập viện không hay điều trị ngoại trú, nếu ở nhà thì cần làm những gì, theo dõi thế nào và khi nào cần tái khám.
Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn là bệnh chưa có thuốc đặc trị, do đó chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng và tăng sức đề kháng.
Một số thực phẩm được chuyên gia khuyến cáo nên dùng cho người mắc sốt xuất huyết như: Bổ sung cháo, súp vào thực đơn hàng ngày. Trong khi chế biến có thể kết hợp với bí ngô để bổ sung vitamin A hay một số loại thịt, cá để bổ sung thêm đạm và protein cho người bệnh, giúp bệnh nhân bổ sung năng lượng và mau khỏi bệnh.
Bổ sung thêm rau xanh như bông cải xanh hay còn gọi là súp lơ xanh - thực phẩm giàu vitamin K có ích trong việc giúp cơ thể tái tạo tiểu cầu. Với người bệnh sốt xuất huyết sẽ có tình trạng giảm tiểu cầu, vì vậy việc bổ sung súp lơ xanh có ích trong hỗ trợ hồi phục bệnh. Bên cạnh đó, loại rau này còn chứa nhiều khoáng chất, chất chống oxy hóa…
Rau bina hay cải bó xôi là loại rau dễ ăn, chứa nhiều axit béo, omega 3 và sắt, giúp hệ miễn dịch được tăng cường. Việc bổ sung thêm cải bó xôi cũng giúp tăng lượng tiểu cầu. Rau bina có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như làm súp hay kết hợp cùng các loại trái cây, rau củ khác làm sinh tố… Đồng thời tăng cường trái cây, hoa quả tươi như đu đủ, nước chanh, nước dừa…
Tuy nhiên, theo Y học cổ truyền, sốt xuất huyết được nêu trong chứng ôn bệnh, là độc dịch lây lan qua côn trùng tiết túc, cũng chia theo kinh lạc và bệnh lý truyền kinh, tuân thủ theo các nguyên tắc gây bệnh. Bệnh này có thể phòng bằng cách tăng sức đề kháng hoặc tránh cho bệnh gây nặng thêm.
Nước sắn dây nước cốt chanh |
Hiện có 3 bài thuốc từ sắn dây được dân gian đúc rút giúp cho người bệnh sốt xuất huyết tăng sức đề kháng. Thứ nhất là bài vị thuốc cát căn: Cát căn là củ sắn dây mà nhân gian hay dùng, củ dùng tươi hoặc khô, có thể nghiền ra lọc thành bột dùng dần.
Bài thuốc này có vị ngọt cay, tính mát, quy kinh phế, tỳ, vị. Công năng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát, thấu ban chẩn, ích khí thăng để chỉ tả.
Chủ trị các chứng sốt, mất nước, đặc biệt chứng sốt xuất huyết, cát căn làm cho thoái nhiệt, sinh tân tiêu khát và còn chữa chứng giải cơ, chữa đau mỏi các khớp, cơ bắp do sốt xuất huyết gây ra.
Thứ hai bài thuốc từ cát căn tăng sức đề kháng cho người bệnh. Bài thuốc này bao gồm món thông thường là Nước sắn dây nước cốt chanh. Nguyên liệu: Bột sắn dây 30g, đường trắng 30g, nước vừa đủ 300ml, sau khi khấy đều cho tan bột sắn dây với đường trắng vắt 10 giọt nước cốt chanh khấy đều uống. Ngày uống 1-3 lần tùy mức độ và nhu cầu.
Món này có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Giúp người bệnh thoái nhiệt, phòng tránh đau mỏi cơ bắp, ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Bên cạnh đó còn có món chè sắn dây củ mài. Nguyên liệu bao gồm: Bột sắn dây 100g, bột củ mài 100g, đường kính 150g, nước lọc 1lít. Cho nước và đường đun sôi, bột sắn dây và bột củ mài cho vào bát cho ít nước nguội khấy tan rồi đổ vào nồi nước đường đun và khấy liên tục, cho đến khi tạo thành hỗn dịch keo như thạch thì đổ ra bát để nguội rồi ăn.
Tác dụng của món ăn này: Tăng cường miễn dịch, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng, kiện tỳ vị, bổ khí, chữa mệt mỏi, đau nhức các khớp. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn nguội, không ăn nóng.
Ngoài ra còn món canh cát căn ngó sen. Thành phần gồm: Củ sắn dây 50g cắt khúc nhỏ hoặc thái mỏng từng lát, ngó sen 100g thái nhỏ từng lát, đường thốt nốt 50g, đậu xanh không vỏ 30g, thịt nạc băm nhỏ 50g, tất cả cho vào nấu canh, có thể thay đường thốt nốt bằng bột canh nếu không thích ăn ngọt.
Món ăn này có tác dụng: Chữa đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cơ thể, chống đau nhức các khớp. Nâng cao thể trạng, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời giảm áp lực về thần kinh do bệnh sốt xuất huyết. Ngó sen có tác dụng cầm huyết chỉ huyết do vậy có lợi cho bệnh nhân sốt xuất huyết.