Người lao động vẫn thờ ơ
Theo Luật BHXH 2014, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Lao động thời vụ vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của hợp đồng lao động nên không ký và không được đóng BHXH |
Quy định này sẽ giúp nhóm lao động thời vụ được tham gia BHXH, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm… Đây cũng được coi như biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, đồng thời mở rộng diện bao phủ BHXH.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam), việc quản lý số lao động này đặt ra nhiều thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan BHXH, bởi nhóm đối tượng trên biến động nhiều, họ chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc ký hợp đồng. Nếu không ký hoặc ký không rõ ràng thì việc tham gia BHXH của nhóm lao động này cũng khó thực hiện được.
Trước đó, tại Hội thảo “Những khó khăn của nhà thầu về quy định mới trong hợp đồng lao động", nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, người lao động làm việc có tính thời vụ, muốn được hưởng nguyên lương chứ không muốn hưởng trợ cấp hay BHXH. Lý giải thêm điều này, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 14 cho rằng, nông dân ở quê tranh thủ những ngày nông nhàn lên thành phố làm công nhân xây dựng. Hết 2 tháng nông nhàn, họ lại trở về với đồng ruộng. 2 tháng thì trợ cấp chỉ được 800.000 đồng mà thủ tục thì rườm rà. Rốt cuộc là họ cũng không thể ở lại để chờ được hưởng trợ cấp.
Người lao động thì thờ ơ, còn doanh nghiệp “kêu than” trước những thủ tục phức tạp của việc tham gia BHXH. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, lao động thời vụ nay họ làm chỗ này, mai mai lại làm chỗ khác. Nay chúng tôi đóng BHXH cho họ nhưng được một thời gian họ lại đi chỗ khác, chúng tôi lại tiếp tục đóng cho người mới. Trong khi thủ tục khai báo, tham gia BHXH lại quá rườm rà, nhiều doanh nghiệp không đủ nhân lực để làm thủ tục đóng BHXH cho từng nhân viên ấy.
Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tuyển lao động với số lượng lớn nhưng chỉ rất ít trong số đó được ký hợp đồng, số còn lại đưa vào danh sách hợp đồng ngắn hạn nhằm “lách luật” để không phải đóng, nộp bảo hiểm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Để ngăn chặn việc trốn đóng BHXH đối với lao động thời vụ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi và bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động trong Chương III về hợp đồng lao động (Bộ luật Lao động năm 2012). Đồng thời, làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán- vốn chưa được đưa vào trong Luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua….
Ngoài ra, công đoàn các cấp, các ban ngành liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao nhận thức nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của đôi bên.