Người lao động ngành Công Thương ưu tiên dùng hàng Việt
Tin hoạt động 11/12/2020 17:12
Lan tỏa phong trào
Sáng ngày 11/12, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, lãnh đạo Ban chấp hành Công đoàn các đơn vị trực thuộc, đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ, phân phối cùng hơn 100 đại biểu.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước thu hút nhiều doanh nghiệp bán lẻ và người lao động ngành Công Thương tham dự |
Khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoa - Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương - cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn ra và tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Song, đây là khoảng thời gian đặc biệt để chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế; duy trì vững chắc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhất trí với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 và lễ khởi động chương trình nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2020.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương là các Bộ ngành đóng góp vai trò quan trọng trong đề án, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua các hoạt động cụ thể. Những đóng góp của Bộ Công Thương đã được Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, Ban ngành đánh giá cao và trao nhiều bằng khen.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
Đặc biệt từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức để khẳng định mình. Đó cũng chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam - là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa.
“Nếu như 10 năm trước đây chúng ta hưởng ứng Cuộc vận động là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì hiện nay Cuộc vận động đã sang một giai đoạn mới, không chỉ dừng lại ở ưu tiên mà hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và người Việt Nam tự hào khi dùng hàng Việt Nam” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động của Bộ Công Thương, cũng như Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương Cuộc vận động, Thứ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, đóng góp của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Trong đó có Công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn Bộ Công Thương đã đồng hành và có vai trò quan trọng trong Cuộc vận động thông qua các kênh tuyên truyền, vận động đoàn viên dùng hàng Việt Nam, sử dụng các dịch vụ nội địa; phối hợp tổ chức các hoạt động “Ngày hội mua sắm” nhằm lan tỏa rộng rãi hàng Việt Nam, kích cầu hàng nội địa cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tổ chức công đoàn tiếp tục phát huy kết quả này để làm tốt hơn nữa trong giai đoạn tới.
Sáng tạo nhiều mô hình cung ứng mới
Thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về phát triển ngành Công Thương cùng với các hoạt động vì phúc lợi của các công đoàn viên, qua đó hỗ trợ hiệu quả, cải thiện đời sống cho đội ngũ công nhân, người lao động cả nước. Những hoạt động đó đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ về phát triển kinh tế cũng như mang lại những giá trị thiết thực về bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc vận động đã sang một giai đoạn mới: Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và người Việt Nam tự hào khi dùng hàng Việt Nam |
Cụ thể, từ thực tiễn triển khai các hoạt động của Cuộc vận động trong thời gian qua của các cấp công đoàn trên cả nước đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều mô hình cung ứng hàng hóa mới, mang tính sáng tạo, năng động như: Nhóm mô hình cung ứng là các “Siêu thị công đoàn” của các công ty, nhà máy sản xuất: Mô hình “Siêu thị công đoàn” của các công ty như Công ty TNHH Sài Gòn W-Mart, Công ty Cổ phần Sao Việt, Công ty Pung Kook Sài Gòn 2 tại Bình Dương, mô hình Siêu thị trong nhà máy của Công ty TNHH may Tinh Lợi tỉnh Hải Dương. Hay, nhóm mô hình cung ứng theo hình thức phát voucher và đưa đón các công đoàn viên là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp đến mua sắm tại các cơ sở cung ứng, như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội với chương trình khuyến mại giảm giá 0,3% trên giá trị toàn bộ đơn hàng cho người mua có thẻ công đoàn viên công đoàn; mô hình đưa đón công nhân, người lao động tới phục vụ tại chuỗi cung ứng của BigC tại Nam Định, Hải Dương và Ninh Bình…
“Những mô hình cung ứng hàng hóa như vậy đã tạo điều kiện cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, từ đó có thể làm tăng ca, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động” - ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá.
Người lao động ngành Công Thương tham gia mua sắm hàng Việt |
Để Cuộc vận động lan tỏa rộng khắp đến toàn thể người lao động trên cả nước, ông Tuấn đề xuất: Trong thời gian tới những mô hình này cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng để hướng tới mục tiêu hỗ trợ tích cực, tối đa cho đời sống công nhân. Đồng thời, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam và các Bộ, ngành và địa phương, các hội/hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam và các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đại diện Công đoàn Bộ Công Thương ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất |
Tại hội nghị, đại diện Công đoàn Bộ Công Thương cùng doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác với nhiều chương trình ưu đãi cho đoàn viên, người lao động ngành Công Thương.