Thông tin phản ánh trên được đưa ra trong báo cáo “Khảo sát lương 2022: Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động” do Tập đoàn Cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group thực hiện. Báo cáo được phân tích dựa trên ý kiến của hơn 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau.
Người lao động kỳ vọng doanh nghiệp phục hồi hoạt động nhằm cải thiện chính sách tiền lương |
Trong báo cáo “Khảo sát lương 2022: Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động” của Navigos Group cho biết, 10 phúc lợi hàng đầu mà người lao động nhận được đến thời điểm khảo sát lương 2022: Lương tháng 13, phúc lợi về sức khỏe, y tế, chương trình chăm sóc sức khỏe, thời gian làm việc linh hoạt, phụ cấp đi lại, làm việc tại nước ngoài, ứng trước lương, chế độ làm việc linh hoạt, ngày nghỉ, hỗ trợ phí cho học tập.
Năm 2021, số tiền thưởng trung bình cao nhất mà người lao động nhận được là 1 tháng lương chiếm 40,53%, theo sau chiếm 22,2% người tham gia được nhận thưởng 2 tháng lương. Có đến 12,85% người lao động nhận thưởng dưới 1 tháng lương.
Đáng chú ý, Navigos Group cho hay, tiền lương không nằm trong 3 yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài. Đa số người tham gia khảo sát lựa chọn là: môi trường làm việc - đồng nghiệp và công việc ổn định là 3 yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty hiện tại với tỷ lệ xấp xỉ 13% cho mỗi yếu tố vừa kể trên. Địa điểm làm việc chiếm gần 12%; tiền lương xếp vị trí thứ 4 trong danh sách với tỉ lệ 11%.
Mặc dù tiền lương không nằm trong 3 yếu tố để giữ chân người lao động với công ty hiện tại, nhưng đây lại là yếu tố quan trọng nhất khi họ quyết định chuyển việc với 17% người lao động lựa chọn yếu tố này. Theo sau là hai yếu tố về môi trường làm việc - đồng nghiệp và các cơ hội học tập, phát triển với tỷ lệ tương ứng là 12% và 11%.
Về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động, có gần 39% ý kiến cho biết họ phải chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên doanh nghiệp họ làm việc. Các tác động này bao gồm từ việc bị giảm lương từ dưới 10% đến hơn 50% và bị sa thải, chậm lương và cắt giảm nhân viên.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2021 có đến 57,59% người tham gia cho biết họ đã không đề xuất tăng lương do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình kinh doanh nên có thể nói đây là thời điểm chưa phù hợp để đề xuất tăng lương. Trong khi đó, có 11,59% người tham gia cho biết đã đề xuất tăng lương nhưng không thành công.
Đề cập đến kỳ vọng về chính sách thăng tiến của công ty trong năm 2022, 42,21% người tham gia khảo sát chưa thể đưa được ra câu trả lời. Theo họ, nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như sự phục hồi của các doanh nghiệp nói riêng sẽ phụ thuộc vào các chuyển biến của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Người lao động chưa thể biết tình hình dịch bệnh tốt hơn hay xấu đi nên họ không chắc chắn khi đưa ra câu trả lời về vấn đề này. Gần 38% người tham gia khảo sát có cái nhìn lạc quan và rất lạc quan về chính sách thăng tiến của công ty trong năm mới.
“Có gần 38% người tham gia khảo sát có cái nhìn lạc quan và rất lạc quan về chính sách thăng tiến của công ty trong năm mới. Việc này chứng minh người lao động đang rất kỳ vọng sự phục hồi kinh tế của các doanh nghiệp trong năm 2022 là rất khả thi”- báo cáo nêu.
Thống kê từ cuộc khảo sát còn cho thấy, khi được hỏi về dự định trong tương lai cho ý định chuyển việc, có đến 42,45% người lao động cho biết sẽ chuyển sang công việc mới nếu tìm được cơ hội việc làm tốt hơn. Bên cạnh đó, 15,32% người tham gia khảo sát cho biết vẫn đang tìm kiếm một công việc mới.
Thêm vào đó, 2,16% người tham gia khảo sát cho biết đã tìm được một công việc mới. Gần 14% có ý định chuyển việc từ 3 - 12 tháng tới và gần 23% người tham gia khảo sát không có ý định chuyển việc trong thời gian sắp tới.