Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (bên trái) - Giám đốc Xí nghiệp giấy số 1 |
Lòng tự hào tiếp thêm động lực
Công ty Cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ tiền thân là Nhà máy giấy Đáp Cầu, được xây dựng từ năm 1913. Nhà máy là cơ sở sản xuất đầu tiên của ngành công nghiệp giấy Việt Nam do chính quyền cách mạng quản lý, điều hành có tổ chức Đảng lãnh đạo.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ, truyền thống lịch sử đáng tự hào của nhà máy đã tiếp thêm động lực cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, trong đó có chị nỗ lực vươn lên, vượt mọi khó khăn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. “Những kết quả đã đạt được luôn là nguồn động lực thúc đẩy cán bộ, công nhân viên nhà máy, trong đó có cá nhân tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của đơn vị”- chị cho hay.
Được biết, công ty đang trong thời gian đầu tư máy móc, thiết bị lớn, vốn gặp khó khăn, máy móc xuống cấp nhiều vì đã khai thác hết công suất. Thực tế đó đòi hỏi người cán bộ quản lý trực tiếp điều hành phải nỗ lực dốc sức nhiều hơn để bảo đảm vừa cho máy chạy vừa ổn định chất lượng sản phẩm.
Hiểu rõ điều đó, bản thân là một cán bộ quản lý về kỹ thuật, chất lượng, chị luôn dành hết tâm huyết cho công việc. “Là cán bộ nữ làm công tác kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn, từ sức khỏe, điều kiện làm việc, sự sốc vác trong nghề nghiệp, khả năng chịu áp lực, công việc gia đình…, nhưng tôi đã rèn cho mình bản lĩnh quen dần với những áp lực”- chị tâm sự.
Thi đua - khẳng định năng lực nữ giới
Từ khi là Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, rồi Phó giám đốc Xí nghiệp Giấy số 1 và hiện nay là Giám đốc Xí nghiệp Giấy số 1, dù ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Theo quan điểm của chị, phụ nữ càng phải nỗ lực thi đua, không phải làm theo phong trào mà thi đua để đóng góp cho công ty ngày càng phát triển hơn, đồng thời khẳng định năng lực của chính mình cũng như của phụ nữ nói chung.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức mới, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến kỹ thuật, soạn thảo quy trình quy phạm, mạnh dạn nghiên cứu chạy thử các sản phẩm mới, sản phẩm chào hàng và được khách hàng chấp nhận.
Trong công ty, chị là người chịu trách nhiệm về việc cân đối, giám sát, theo dõi tình hình thực hiện định mức, lên giá thành cho sản phẩm, bảo đảm hoạt động có lãi và lợi nhuận cao cho công ty. Bởi vậy, chị thường xuyên trao đổi với ban giám đốc và đề xuất các giải pháp giảm tiêu hao nguyên - nhiên vật liệu, hạ giá thành, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên lao động.
Bên cạnh đó, chị còn có các sáng kiến làm lợi cho công ty từ mấy chục đến hàng trăm triệu đồng/năm, như: Sáng kiến tiết kiệm điện nghiền cho sản phẩm giấy bìa định lượng cao, cải tiến thay thế hóa chất để cải thiện bề mặt giấy bao xi măng, phân tích các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến độ bám dính giữa giấy và mành PP trong quá trình phức vỏ bao xi măng…
Ngoài công tác chuyên môn, chị còn đảm đương vị trí Trưởng ban Nữ công của công ty. Ở cương vị này, chị đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm, thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tư vấn cho các chị em có uẩn khúc trong cuộc sống vợ chồng, hoàn cảnh, điều kiện đang gặp khó khăn.
Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê, chị Tâm đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các sáng kiến mới, áp dụng thành công vào hoạt động của doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích và góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. |