Tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 12/4, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin chuyên đề về 2 dự án luật: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về 6 nhóm vấn đề lớn:
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về 6 nhóm vấn đề lớn |
Thứ nhất, chính sách về quy tắc giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định về quy tắc giao thông đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, gồm: Quy tắc chung; chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, qua cầu phao...
Thứ hai, chính sách về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân.
Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ…
Thứ ba, chính sách về chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông…
Thứ tư, chính sách về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông; điều tra, giải quyết, thống kê tai nạn giao thông.
Thứ năm, chính sách về tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm, dự thảo Luật đã quy định về: Nội dung, hình thức và lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát; dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong trường hợp khẩn cấp…
Thứ sáu, chính sách quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Nội dung này sẽ do Chính phủ quy định tại các nghị định liên quan.
Theo Bộ Công an, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật quy định về tổ chức lực lượng với 4 nhóm vấn đề đó là: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng; cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, mối quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức; chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.