Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm cửa hàng để hết xăng 2 ngày Tây Nam bộ: Chưa phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán nhỏ giọt |
Việc lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vào cuộc kiểm tra xử lý nhanh sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc một số cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng đã và đang nhận được sự đánh giá cao không chỉ từ người dân mà còn ở cả doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh, hành nghề xe ôm tại khu vực đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cho rằng, việc một cây xăng treo biển hết xăng khi giá chuẩn bị tăng hay đang có chiều hướng tăng nghe không có gì lạ nhưng việc khi xăng giảm giá lại treo biển hết xăng như cây xăng 439 Phan Văn Trị thì rất lạ. “Tôi nghe nói có lực lượng quản lý thị trường đến làm việc ngay sau khi cây xăng mở bán xăng trở lại bình thường. Tôi đánh giá cao sự chủ động này và theo tôi, cơ quan chức năng cần tiếp tục bám sát kiểm tra và xử lý kịp thời nếu các vấn đề này xảy ra nhiều hơn nữa” - ông Thanh đánh giá.
Cửa hàng xăng dầu 439 thuộc Công ty Cổ phần công nghệ an toàn dầu khí Việt Nam Chi nhánh Gò Vấp |
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã gặp trực tiếp các cửa hàng treo biển hết xăng trong ngày 11, 12/7 vừa qua. Ông Nguyễn Cảnh Thụ - Cửa hàng Trưởng, Cửa hàng xăng dầu 439 thuộc Công ty Cổ phần công nghệ an toàn dầu khí Việt Nam Chi nhánh Gò Vấp, địa chỉ số 439 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp - chia sẻ, ngày 11/7, cửa hàng có treo biển hết xăng. Tuy vậy, việc thiếu hụt xăng xuất phát từ nguyên nhân khách quan gồm: Khi giá xăng giảm, người dân đổ xăng cho các phương tiện tăng đột biến; vận chuyển xăng dầu bị chậm bởi xe bồn chở xăng dầu sau 21 giờ mới có thể chạy đến cửa hàng xăng dầu để bơm được. Do vậy không có chuyện cửa hàng găm hàng hay chờ giá xuống nữa mới nhập hàng.
Sự vào cuộc kịp thời của lực lượng quản lý thị trường phần nào làm rõ được nguyên nhân khách quan dẫn đến việc cửa hàng này hết xăng tạm thời |
Cũng như ông Thụ, ông Nguyễn Thành Lâm - Cửa hàng Trưởng cửa hàng xăng dầu 424 Lê Văn Sỹ thuộc Công ty Cổ phần lương thực TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ số 424 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình phân trần: Sau khi người dân phản ánh thông tin thì quản lý thị trường đã đến làm việc và cửa hàng cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan. Ông Lâm khẳng định không có chuyện cửa hàng chờ giá xuống mới nhập mà do số lượng người dân đổ xăng cho xe máy và ô tô tăng lên, dẫn đến nguồn cung không kịp.
Việc nguồn cung không kịp do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau như: Tài xế xe chở xăng dầu phải xếp hàng chờ đến lượt nhận hàng, phải di chuyển quãng đường xa từ Nhà Bè về thành phố, trong khi thời gian di chuyển “trúng” vào giờ cao điểm cấm xe tải, xe bồn… nên mất thời gian kéo dài dẫn đến cửa hàng tạm thời hết xăng vài tiếng trong ngày 12/7.
“Chúng tôi rất vui vì sự vào cuộc kịp thời của Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, qua đó phần nào làm rõ vấn đề là chúng tôi không chờ giá xuống mới nhập hàng, mà do nguyên nhân khách quan dẫn đến thiếu hụt xăng”- ông Lâm bày tỏ.
Trước đó, Báo Công Thương đã đưa tin, trong 2 ngày 11 và 12/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về xử lý nghiêm các cửa hàng để hết xăng, lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng trên địa bàn. Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển hết xăng trong 2 ngày 11 và 12/7/2022. Tuy nhiên cả 3 cửa hàng đều trình bày rằng việc treo biển hết xăng là do yếu tố khách quan, đồng thời hứa chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động xăng dầu.
Liên quan đến sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo: “Nếu việc thiếu nguồn cục bộ do nhu cầu tăng đột biến, chưa kịp nhập hàng trong ngày thì sẽ xem xét châm trước cho doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thiếu hàng kéo dài đến ngày thứ 2 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”.
Vào tháng 5/2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường nội địa để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng. Cơ sở dữ liệu này sẽ có hiệu quả lớn trong nắm số liệu hàng tồn kho, nguồn cung của các doanh nghiệp để điều tiết thị trường và cân đối cung cầu.
Để chủ động trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản số 242 để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Bộ Công Thương khẳng định, đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được đảm bảo.
Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. 6 tháng đầu năm 2022, ta đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu. Trong mọi trường hợp, sẽ đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân.