Chiến sự đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu
Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong thương mại thực phẩm quốc tế. Gần 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu thường đến từ khu vực Biển Đen. Theo Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc, thị phần của Ukraine trong thương mại lúa mì toàn cầu là 8% vào năm 2020. Đối với ngô là 13%, đối với dầu và hạt hướng dương thậm chí là 32%. Theo Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tổng cộng những sản phẩm này có thể nuôi sống 400 triệu người.
Ảnh minh họa |
Cuộc chiến ở Ukraine đang khiến việc xuất khẩu ngũ cốc sản xuất tại đây trở nên khó khăn hơn. Trong nhiều tháng, Nga đã phong tỏa các cảng Biển Đen nơi Ukraine vận chuyển 90% lượng ngũ cốc qua đó. Bên cạnh đó, chiến sự đã đẩy giá thực phẩm thiết yếu lên cao và làm tăng số người đối mặt với nguy cơ không đủ ăn.
Tác động của Thỏa thuận ngũ cốc
Nhờ có thỏa thuận này, Ukraine đã có thể xuất khẩu hàng nông sản và có doanh thu xuất khẩu thông qua 3 cảng. Theo Liên hợp quốc, Ukraine đã xuất khẩu 32,7 triệu tấn nông sản sang 45 quốc gia kể từ tháng 8/2022. Điều này cho phép Ukraine giải phóng các kho hàng vốn chủ yếu chứa đầy ngô và tiếp tục sản xuất. Trước chiến sự, Ukraine chủ yếu cung cấp lúa mì cho châu Á và Bắc Phi. Kể từ khi chiến sự bắt đầu, Liên minh châu Âu (EU) trở thành bên mua lúa mì lớn nhất từ Ukraine.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá nông sản đã giảm 23% kể từ tháng 3/2022. Một yếu tố khác khiến giá giảm hiện nay là vụ thu hoạch bội thu ở Ấn Độ, EU và khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2023, xuất khẩu qua Biển Đen đã giảm mạnh. Trong khi, Ukraine cáo buộc Nga có một thời gian đã chặn các tàu chở hàng đến cảng Yuzhne.
Tình hình mới khi Thỏa thuận ngũ cốc “đóng băng”
Giai đoạn phong tỏa vừa qua cho thấy dù các tuyến xuất khẩu thay thế như qua sông Danube hay bằng đường sắt và xe tải ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nhưng không thể thay thế xuất khẩu bằng tàu biển. Năng lực logistics của ngành đường sắt còn hạn chế, xuất khẩu bằng đường bộ kém hấp dẫn do giá xăng dầu cao và xử lý biên mậu chậm. Vận chuyển trên đất liền cũng tốn kém hơn nhiều.
Xuất khẩu nông sản của Ukraine bị chậm lại khi không có thỏa thuận ngũ cốc. Tháng 5/2023, theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, chỉ có 30% các mặt hàng nông sản được xuất khẩu qua Biển Đen. EU muốn mở rộng hơn nữa cái gọi là “hành lang đoàn kết” - các tuyến xuất khẩu thay thế bằng đường bộ mà EU đã thiết lập cho Ukraine.
Điều này cũng gây ra sự phẫn nộ giữa các quốc gia láng giềng của Ukraine. Ngũ cốc Ukraine hiện được bán trên thị trường của họ thường xuyên hơn với mức giá thấp hơn vì các nước EU đã dỡ bỏ thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Kết quả là các nước láng giềng đã lên tiếng cáo buộc Ukraine “phá giá” thị trường.
Một số quốc gia đã tạm thời cấm nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc của Ukraine, buộc EU phải can thiệp. Từ tháng 5 đến giữa tháng 9/2023, Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia đã áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Thực trạng xuất khẩu lúa mì của Nga
Bất chấp chiến sự, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Hiện phương Tây không có biện pháp trừng phạt trực tiếp nào đối với việc vận chuyển ngũ cốc từ Nga. Đúng hơn, trước đó Nga đã áp dụng thuế xuất khẩu lúa mì và hạn ngạch để kiểm soát giá trong nước tốt hơn. Đôi khi thậm chí còn có lệnh cấm xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Belarus).
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Nga lại giảm thuế xuất khẩu lúa mì vào tháng 7 và tháng 9/2022 bởi lúa mì Nga đang gặp khó khăn trên thị trường ngay cả khi không có lệnh trừng phạt trực tiếp. Điều này bất chấp thực tế là Liên hợp quốc và một số chính phủ phương Tây đang kêu gọi buôn bán ngũ cốc của Nga để không xảy ra tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn.
Đối với các nhà kinh doanh hàng nông sản và ngân hàng phương Tây, việc giao dịch với Nga đặt ra những rủi ro về danh tiếng. Rõ ràng, nhiều người lo ngại rằng việc vận chuyển lương thực của Nga tới châu Phi sẽ bị coi là hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính phương Tây phần lớn đã rút khỏi hoạt động kinh doanh và hầu hết các ngân hàng Nga đều phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc EU. Tuy nhiên, nhà cung cấp Nga đang ngày càng lấp đầy những khoảng trống trong thương mại ngũ cốc.
Những quốc gia phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine
Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Indonesia và Philippines là những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Nga và Ukraine. Vì lúa mì chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu calo ở các nước này nên lượng calo cần còn lại có thể dễ dàng được thay thế bằng gạo.
Tuy nhiên, tình hình lại khác ở châu Phi và Trung Đông. Ở đó, phần lớn nhu cầu thực phẩm hằng ngày được đáp ứng bằng bánh mì. Do đó, các nước trong khu vực nhập khẩu phần lớn lúa mì từ Nga và Ukraine.
Ông John Baffes, nhà kinh tế nông nghiệp tại Ngân hàng Thế giới giải thích, tùy thuộc vào từng quốc gia, 50% hoặc thậm chí tới 90% hàng nhập khẩu đến từ khu vực Biển Đen. Lý do rất đơn giản là vị trí địa lý. Là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, 80% sản lượng nhập khẩu của Ai Cập là từ Nga và Ukraine. Ở Libya, 43% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này là từ Ukraine, ở Yemen là 23%.
Các nước nghèo nhất trong khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi thâm hụt nguồn cung. Điều này là do nửa số lúa mì mà WFP phân phối cho các nước có nguy cơ xảy ra nạn đói đều đến từ Ukraine. Kể từ khi lệnh phong tỏa xuất khẩu được dỡ bỏ vào tháng 8/2022, hơn 725.000 tấn lúa mì đã rời cảng Ukraine để đến Ethiopia, Yemen, Afghanistan, Sudan, Somalia, Kenya và Djibouti.
Những yếu tố làm ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng lương thực
Không chỉ xuất khẩu ngũ cốc bị hạn chế mới có nguy cơ làm gia tăng nạn đói trên thế giới. Các yếu tố khác cũng góp phần làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Nắng nóng và hạn hán. Ngay cả trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, WFP đã cảnh báo rằng năm 2022 sẽ là một năm khó khăn. Trung Quốc là nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới cho biết, năm 2022 có thể là năm thu hoạch tồi tệ nhất từ trước đến nay sau khi lượng mưa khiến việc gieo hạt bị hoãn lại. Năm 2023, sản lượng thu hoạch có dấu hiệu tích cực hơn.
Phân bón. Phân bón rất cần thiết để sản xuất nông sản nuôi sống dân số thế giới. Các chất dinh dưỡng như nitơ, phốt pho và kali đóng vai trò thiết yếu trong việc tăng năng suất nông nghiệp. Nga là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu cả 3 loại phân bón này.
Cùng với Belarus, Nga chiếm khoảng 40% lượng kali xuất khẩu toàn cầu trong năm 2019. Ngược lại với nhà sản xuất Belaruskali của Belarus, các nhà sản xuất muối kali của Nga không phải chịu bất kỳ hạn chế trực tiếp nào, nhưng các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với hệ thống ngân hàng Nga khiến thương mại trở nên khó khăn hơn.
Nitơ cần thiết để sản xuất phân urê cũng phần lớn đến từ Nga vì khí đốt tự nhiên giá rẻ luôn có sẵn. Đồng thời, các nhà sản xuất phân bón châu Âu nói riêng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga. Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đang khiến hoạt động sản xuất phân bón bên ngoài nước Nga trở nên đắt hơn đáng kể.