Không còn tình trạng xếp hàng đổ xăng, thị trường xăng dầu dần trở lại bình thường Thừa Thiên Huế: Đảm bảo thị trường xăng dầu, không có tình trạng găm hàng |
Một số gợi ý về cải cách thị trường xăng dầu cùng mối quan hệ với phúc lợi hộ gia đình được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) công bố tại Hà Nội ngày 27/6/2023.
Theo đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tăng tiêu dùng cho xăng dầu qua các năm. Đồng thời số hộ sử dụng xăng dầu tăng theo thời gian. Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao bởi vì họ tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này. Các hộ này thường tập trung nhiều hơn ở các vùng kém phát triển kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông hơn, ở nông thôn hay ở miền núi. Chính vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự thay đổi giá xăng dầu so với các nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu.
Một phát hiện khác đáng chú ý nếu chi tiêu cho xăng dầu của hộ gia đình tăng lên thì phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ sẽ giảm xuống. Hàm ý rằng việc cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu sẽ giúp cải thiện phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ gia đình.
Kiểm soát giá xăng dầu ở mức hợp lí có thể giúp cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu của hộ gia đình trong bối cảnh số lượng hộ và lượng xăng dầu tiêu dùng của hộ có xu hướng tăng. Điều này hàm ý rằng việc tạo dựng một thị trường xăng dầu hiệu quả, tạo mặt bằng giá thấp và ổn định hơn, sẽ giúp tăng phúc lợi hộ gia đình Việt Nam trong dài hạn.
Nghiên cứu này cũng đi sâu phân tích một số mặt về hoạt động thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Theo đó các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP được xem như nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.
Hội thảo công bố báo cáo của VESS về thị trường xăng dầu |
Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp mà do điều kiện lịch sử đã bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ.
“Điều này làm giảm sức hút gia nhập trên các phân đoạn thị trường cũng như tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng một phân đoạn hoặc trên toàn bộ thị trường. Hệ quả là thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây”, nghiên cứu của VESS nhìn nhận.
Liên quan đến cải cách thị trường xăng dầu tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất hai định hướng chính.
Một là, tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn.
Hai là, cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinnh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).
Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể, bao gồm: xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường; quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia trong thị trường;
Cùng đó, sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.