Chủ nhật 11/05/2025 22:16

Nghịch lý thất nghiệp cao, doanh nghiệp vẫn thiếu lao động

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn cao, trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu công việc. Đó là thực trạng, cũng là nghịch lý diễn ra tại thị trường lao động quý I/2022.

1,1 triệu người thất nghiệp

Theo ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường lao động quý I/2022 đã có sự phục hồi tích cực nhờ vào những nỗ lực triển khai các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, địa phương và chính sách thích ứng linh hoạt, hoàn thiện tiêm vắc-xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nhờ đó, tình hình thất nghiệp quý I/2022 đã có nhiều cải thiện, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 đã có nhiều cải thiện. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,46%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chiếm 2,46%

Quý I/2022 cũng nghi nhận số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ lệ thiếu việc làm trong 3 tháng đầu năm là 3,01%, tăng so với cùng kỳ năm trước là 0,81 điểm phần trăm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho biết, họ không thể tuyển được lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, theo đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực linh, phụ kiện dệt may tại Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), do yêu cầu sản xuất, doanh nghiệp đang muốn tuyển khoảng hơn 200 công nhân và nhân viên để phục vụ cho các nhà máy tại Hưng Yên mới đi vào hoạt động và tại Bắc Ninh vừa mở rộng sản xuất, nhưng từ đầu năm đến nay cũng chỉ tuyển được chưa đến một nửa.

Đặc biệt, cũng theo doanh nghiệp này, nhiều nhân viên đang làm việc lại xin nghỉ khi đã tìm được công việc khác phù hợp hơn, khiến doanh nghiệp luôn rơi vào tình trạng thiếu lao động cho sản xuất, nhất là lao động có kinh nghiệm, tay nghề và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Giải bài toán “thừa việc thiếu lao động”

Lý giải nguyên nhân vì sao tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn cao (1,1 triệu người trong độ tuổi lao động) và tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn chiếm 3,01%, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động, ông Phạm Hoài Nam cho rằng, nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định, tùy theo đặc điểm của thị trường.

Điển hình, ở Bỉ tỷ lệ lao động thất nghiệp là khoảng 5-6%; Thụy Sỹ 4-5%; Đức 3-4%; Pháp là 8%; Mỹ 4%; Singapore, Indonesia, Malaysia 3-4%; Thái Lan, Lào, Campuchia dưới 2%...

Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2022 là 2,46%, tuy cao hơn 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh), nhưng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ này đã giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Cho thấy, nền kinh tế đang phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã sôi động trở lại và người lao động đã sẵn sàng quay trở lại với công việc.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao

Đặc biệt, trong bối cảnh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP về “nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022”; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1 về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp kích thích nền kinh tế đã được đưa ra làm đòn bẩy cho phục hồi kinh tế giai đoạn tới, như: Gói kích cầu 350.000 tỷ đồng, tăng chi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; tăng cường an sinh xã hội; giảm lãi suất cho vay nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp.

“Với những yếu tố trên, dự kiến thời gian tới, thị trường lao động sẽ phục hồi và sớm tăng trở lại như trước khi dịch xảy ra” – ông Phạm Hoài Nam khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Hoài Nam, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động, thiếu việc làm vẫn cao mà nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu lao động là do, doanh nghiệp luôn thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề, có trình độ cao, lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến năm 2022, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động, sự thiết hụt lao động có thể tăng mạnh vào quý II/2022 khi mà các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao.

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cũng đang rất lớn, song hiện mới chỉ có 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ, theo đó,sự thiếu hụt lao động chất lượng cao là bài toán khó, cần sự chung tay, phối hợp từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và trường dạy nghề, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời chấm dứt tình trạng, thừa việc, thiếu lao động hiện nay.

Để giải quyết bài toán thiếu lao động chất lượng cao, Chính phủ đã có quy hoạch phát triển các trường chất lượng cao tại Quyết định 2239/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 70 trường chất lượng cao, trong đó 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển nhóm G20.
Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội