Trung bình mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 674 tấn thịt gà nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu hàng năm đều tăng liên tục.
Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 216,645 ngàn tấn thịt gà, đến năm 2019 - 2020 nhập tương ứng 290, 298,5 ngàn tấn. Năm 2022, nhập khoảng 246,152 ngàn tấn, chiếm khoảng 21,24% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.
Người tiêu dùng mua thịt gà tại siêu thị |
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 674 tấn thịt gà nhập khẩu. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu hơn 100 ngàn tấn thịt gà các loại. Đó là chưa tính số lượng gà đẻ loại nhập lậu qua biên giới vào thị trường Việt Nam với khối lượng tương đương 200 - 230 ngàn tấn.
Ngành gia cầm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp nước ta, chiếm vị trí thứ hai trong ngành chăn nuôi cả về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân.
Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu chính ngạch; từng bước khẳng định Việt Nam là một quốc gia sản xuất gia cầm đứng Top 10 của thế giới.
Nếu xét về tổng thể, năng suất và chi phí sản xuất gia cầm nước ta thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính riêng ở khu vực chăn nuôi công nghiệp thì các chỉ tiêu năng suất của Việt Nam cũng đạt tương đương với các nước phát triển.
Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam đã chủ động chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu từ các giống gà bản địa có năng suất chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo phân khúc gà thịt chất lượng cao.
Bên cạnh những điểm sáng của ngành chăn nuôi gia cầm là những hạn chế khiến tăng trưởng sản xuất của ngành gia cầm tương đối cao nhưng kém bền vững như: tỷ suất lợi nhuận đang có xu hướng giảm dần; tăng trưởng bình quân hàng năm về sản xuất thịt gà trong nước không theo kịp tăng trưởng nhập khẩu, khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt...
Cánh gà đông lạnh nhập khẩu |
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, đáng nói là Việt Nam cho nhập cả những sản phẩm mà nước ngoài không ăn, như gà đẻ thải loại, da gà, cổ cánh gà, chân gà... Một lượng lớn gà đẻ thải loại nguyên con chặt đầu, chặt cánh được doanh nghiệp nhập về từ Hàn Quốc với giá rất rẻ. Tình trạng thịt gà nhập khẩu giá rẻ đã gây áp lực lớn lên sản xuất gia cầm trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Từ cuối năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất và thương mại của ngành gia cầm gặp khó khăn do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào liên tục tăng, khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi cũng vì thế tăng theo.
Cùng với đó, dịch Covid-19 và lạm phát, khiến cầu trong nước yếu, tiêu thụ sản phẩm gia cầm luôn trong tình trạng bấp bênh, giá bán sản phẩm gia cầm đều giảm sâu, chỉ bằng 70-80% giá thành sản xuất.
Những khó khăn này khiến người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ đang đối mặt với nguy cơ bị loại dần khỏi “cuộc chơi” ngay trên “sân nhà”.
Kịch bản nào cho ngành chăn nuôi gia cầm
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos cho thấy, trong 10 năm gần đây, mức tăng trưởng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng 8,5%/năm và có xu hướng tăng nhanh hơn so với tiêu thụ thịt lợn.
Theo đó, năm 2020, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17 kg thịt gia cầm, đến năm 2022 tiêu thụ khoảng 20 kg/người và dự báo năm 2023 sẽ là 22 kg/người. Đây là tín hiệu tích cực và phù hợp xu thế tiêu thụ thịt của thế giới.
Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam dự báo từ nay đến năm 2030, tiêu thụ thịt, trứng trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 90%. Nhập khẩu thịt gà và phụ phầm gia cầm sẽ dao động trong khoảng 250 - 300 ngàn tấn/năm. Giá bán gà thịt lông trắng dự báo trong 5 - 6 năm tới dao động 33.000 - 35.000 đồng/kg. Giá gà màu nuôi ngắn ngày từ 50.000-55.000 đồng/kg. Giá gà màu nuôi dài ngày từ 60.000 - 70.000 đ/kg. Giá trứng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.
Các hộ chăn nuôi sẽ giảm dần, trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI sẽ mở rộng thì phần sản xuất gia cầm. Theo đó, tỷ trọng sản xuất thịt gà trắng của hộ gia đình sẽ giảm từ 20% năm 2023 xuống còn 10% năm 2030, còn khối doanh nghiệp sẽ tăng từ 80% lên 90%; thịt gà màu sản xuất từ khu vực nông hộ sẽ giảm từ 60% năm 2023 xuống còn 45 - 50% năm 2030, trong khi khối doanh nghiệp sẽ tăng từ 40% lên 50 - 55% năm 2030; sản lượng trứng cũng giảm từ khu vực nông hộ từ 44% năm 2023 xuống 35 - 38% năm 2030, khối doanh nghiệp sẽ tăng từ 56,0% lên 60 -62% năm 2030.
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, đặc biệt các doanh nghiệp nội sẽ giảm dần cả về số lượng lẫn quy mô sản xuất và buộc phải gắn với chăn nuôi gia công để giữ thị phần.
Để ngành gia cầm Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển bền vững, TS. Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông.
Rà soát cắt giảm một số phí, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất. Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Cần chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm.
Ngành chăn nuôi là lĩnh vực đang chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh và thị trường, đặc biệt chịu áp lực rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã tham gia ký kết.
Vì vậy, Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung một số chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi tại Nghị định số 57/2018-NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như miễn, giảm tiền thuê đất; Hỗ trợ tín dụng đầu tư…