Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích năm nay 66 tuổi, nhưng ông có tới trên 50 năm làm nghề đúc đồng. Ông được mọi người trong làng nể trọng bởi nắm giữ nhiều kỹ năng với các kỹ thuật, mỹ thuật cao trong nghề. Những sản phẩm đồng do nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích đúc đều là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, các sản phẩm trưng bày tại các bảo tàng, nơi thờ cúng tâm linh, di tích lịch sử văn hóa, đủ các loại kích cỡ, nặng từ vài kg đến vài tấn. Tất cả các sản phẩm đó đều có chất lượng đồng tốt, độ tinh xảo cao và được nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích trực tiếp thiết kế, chế tạo mẫu mã, đúc, hoàn thiện sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích: Làm nghề một phần phải có bí quyết, kinh nghiệm riêng, nhưng nhất định phải có cái tâm thì mới làm ra những sản phẩm đẹp |
Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu có giá trị kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật cao như: Tác phẩm bộ Đỉnh Hạc hoa văn lối cổ cao 2,35m, nặng 1,2 tấn và chiếu dời đô bằng chữ Hán tặng cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Các tác phầm hoành phi câu đối; lư đồng; cuốn thư; đỉnh thờ khảm tam khí; đỉnh thờ ngũ sắc; tranh tứ quý trạm thúc; tranh tứ quý trạm khảm ngũ sắc; tranh phong thủy: Mai công, thuận buồm xuôi gió, sơn thủy hữu tinh, vinh quy bái tổ… đều được giới chuyên môn, cũng như khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích chia sẻ, nghề đúc đồng có nhiều, nhưng để đúc được các sản phẩm tinh xảo, ngoài khuôn đúc, người nghệ nhân còn có những “bí truyền” riêng. Quan trọng nhất là phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng, rồi rót đồng vào khuôn mẫu... “Nghề đúc đồng rất vất vả, những trưa hè oi ả bên cạnh lò lửa hừng hực cháy, nhiều khi hoa cả mắt, chóng mặt nhưng người thợ không được một phút lơ là, nhất là khi đồng được đun nóng để đổ vào khuôn, chính xác đến từng giây, từ phút. Chỉ cần ngắt nhịp trong tích tắc, lớp này sẽ không kết dính với lớp kia và coi như sản phẩm hỏng hết” - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích tâm huyết nói.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích luôn được mọi người nể trọng bởi nắm giữ nhiều kỹ năng với các kỹ thuật, mỹ thuật cao trong nghề |
Nói về nghề đúc đồng tại làng Đại Bái, nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích vui mừng chia sẻ, sau hàng thế kỷ thăng trầm, Đại Bái ngày nay được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển nhất nhì xứ Bắc, nhiều người theo nghề và đã sống được với nghề. “Thời kỳ bao cấp người dân làng nghề chúng thường làm đồ dân dụng, các vận dụng trong gia đình như mâm, chậu, nồi… Nhưng những năm gần đây, xã hội phát triển nhu cầu của người dân tăng cao người thợ đã phát huy được tay nghề làm những sản phẩm có giá trị cao như: Trống đồng, lư, bát, đỉnh đồng, tượng đồng, tranh đồng… Tôi vẫn thường dặn con cháu không vì nghề đã phát triển mà mình quên đi việc tìm tòi, học hỏi. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm vẫn phải thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng” - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích chia sẻ.
Lâu năm trong nghề, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, từ khâu làm khuôn mẫu đến kỹ thuật đúc, phôi hay tỉ mẩn trong từng nét chạm, trổ những sản phẩm, những bức tượng mà nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích làm ra được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Ông tâm niệm, làm nghề này phải có tâm với nghề, yêu nghề mới làm được. Một phần phải có bí quyết, kinh nghiệm riêng, nhưng nhất định phải có cái tâm nữa thì mới làm ra những sản phẩm đẹp.
Những sản phẩm nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích làm ra được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao |
Hơn 50 năm trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích đã có nhiều tác phẩm được khen thưởng như: Giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2006 với sản phẩm “Bộ đỉnh khảm tam khí” do ban tổ chức Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ I (tổ chức tại Vĩnh Phúc); sản phẩm “Đỉnh động ghép Ngũ sắc” đạt cúp Bàn tay vàng tại Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ II ( tổ chức tại Hải Phòng); sản phẩm bộ quân thư đồng chạm tỉa bằng tay Đạt Cúp Doanh nghiệp - Sản phẩm tiêu biểu và cá nhân điển hình tiên tiến (giai đoạn 1997-2017).