“Bảo bối” sơn ta
Không đến phòng trưng bày để giới thiệu những tác phẩm sơn mài để đời của mình, mà nghệ nhân Vũ Huy Mến lại đưa cho tôi xem một chai nhựa đựng thứ nước sền sệt, phía dưới thì vàng đục, càng lên trên càng đậm dần. Ông cười giải thích, đây là sơn ta “bảo bối” của sơn mài truyền thống Hạ Thái đấy.
Với nghệ nhân Vũ Huy Mến, sơn ta là bảo bối sơn mài truyền thống |
Cầm trên tay chai sơn, ông Mến say sưa: Sơn ta được lấy từ cây sơn tự nhiên chỉ có ở vùng núi Phú Thọ. Do nhựa sơn đổi màu rất nhanh khi có ánh sáng mặt trời nên người dân ở đây phải đi khai thác nhựa từ 2 - 4 giờ sáng. Nhựa sơn sau khi lấy từ cây đóng vào thùng gỗ hoặc chai nhựa để “nuôi” ít nhất 4 - 5 tháng cho tới khi sơn chuyển hóa thành từng lớp nổi lên trên, phần nước lắng đọng xuống dưới. Để có nguyên liệu sơn ta dùng cho sơn mài chúng tôi lấy sơn “sống” trộn thêm với dầu trẩu hoặc nhựa thông và đánh bằng cách quấy đều, nhanh cho đến khi sơn dẻo đặc hay còn gọi là sơn chín, mất khoảng 4 ngày. Trước đây, muốn làm sơn “chín” chúng tôi phải quấy sơn hoàn toàn bằng tay, nhưng nay nhờ có máy công việc đỡ vất vả hơn nhiều. Ông bật mí, muốn có sơn màu cánh gián thì quấy sơn bằng thúng gỗ, tre, còn khi cần màu đen (then) thì cho sơn vào chảo bằng gang để đánh.
Vài năm trở lại đây, do cơ chế thị trường, rất nhiều họa sĩ đã chuyển sang dùng sơn công nghiệp giá thành thấp, làm lại nhanh. Nhưng với nghệ nhân Vũ Huy Mến vẫn ngày đêm “nuôi”, “chế” món sơn “ruột” của mình. Mùi hắc, nồng của sơn ta đã gắn bó với ông trên 50 năm trong nghề sơn mài. Với ông, sơn ta trong tranh sơn mài truyền thống khác hẳn các loại sơn khác, đó là màu trầm, ấm, sâu, tươi mới, càng để lâu tranh càng đẹp, tạo nên được giá trị và thương hiệu cho sơn mài Hạ Thái.
Theo Nghệ nhân Vũ Huy Mến, việc chế tạo nguyên liệu sơn ta đã khó, nhưng để ra đời một sản phẩm sơn mài truyền thống còn khó gấp bội. Trong đó, người làm tranh phải thực hiện từ làm vóc, tạo cốt cho đến khảm hoa văn, vẽ, ủ tranh… Tất cả quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài truyền thống phải qua ít nhất 10 tới 18 công đoạn, đến khi hoàn thiện mất từ 2 - 3 tháng, có khi phải mất nửa năm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu. Các công đoạn này đều có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.
Sự xâm lấn của sơn mài công nghiệp
Đến và được chiêm ngưỡng những sản phẩm được làm ra bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Vũ Huy Mến chúng ta mới thấy hết được sự sống động, chất tinh tế, cùng vẻ đẹp tươi tắn nhưng cũng rất sâu lắng mà ông đã tạo ra. Thế nhưng, trong cuộc sống xô bồ, hối hả như hiện nay thì việc thưởng thức cái đẹp truyền thống đang dần bị quên lãng. Làng tranh sơn mài Hạ Thái trong đó có nghệ nhân Vũ Huy Mến đang đứng trước nguy cơ mai một, vì thế họ cũng đang phải gồng mình lên giữ nghề trước sự xâm lấn của dòng sản phẩm sơn mài công nghiệp.
Ông Mến khẳng định, hiện nay mặc dù làng Hạ Thái được xem là làng nghề tranh sơn mài truyền thống, song hầu hết đã chuyển sang sử dụng loại sơn mới, sơn công nghiệp. Đối với tranh sơn mài truyền thống, mỗi tác phẩm cần phải đồ qua từ 10-12 nước sơn, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng đối với loại sơn mới rất nhanh khô chỉ cần đồ từ 1-5 nước sơn trong ngày, thậm chí vài tiếng. Vì vậy, trước khi làm một tác phẩm truyền thống người làm tranh ngoài yếu tố kỹ thuật còn phải “bắt hanh”, tức lựa chọn thời tiết hanh khô. Nếu xử lý kỹ thuật không tốt, lại “bắt hanh” không được, sản phẩm để hàng tháng cũng không khô. Bên cạnh đó, làm tranh sơn mài truyền thống phải dành riêng một chỗ để làm buồng “ủ”, bởi buồng ủ là khâu không thể thiếu trong chế tác sơn mài truyền thống. Sản phẩm sau mỗi nước sơn đều được đưa vào buồng ủ, lấy độ ẩm tự nhiên từ 10 - 24 giờ, làm cho sơn bám đều, bền và sáng đẹp. “Không ủ tranh thì không phải tranh sơn mài truyền thống. Việc bỏ qua rất nhiều công đoạn cũng như không sử dụng sơn ta, tuy tiết kiệm và thời gian nhưng sẽ không đảm bảo chất lượng, độ bền và sắc màu đặc trưng của tranh sơn mài truyền thống”- Nghệ nhân Vũ Huy Mến giải thích.
Là người có hàng chục năm kinh nghiệm làm sơn mài, ông Mến hiểu giá trị đặc biệt của sơn mài truyền thống. Sơn mài sản xuất theo lối công nghiệp có ưu thế màu sắc đa dạng, thời gian làm ra mỗi sản phẩm rất ngắn, các công đoạn chế tác trở nên đơn giản và dễ làm hơn, giá thành lại rẻ hơn 5 - 6 lần, thậm chí hàng chục lần. Vì vậy, nếu người mua tranh không thật sự yêu tranh, hiểu được cái hồn và nghệ thuật trong bức tranh thì dòng tranh sơn mài truyền thống rất khó bán. Thực tế, với sự phát triển như vũ bão của tranh sơn mài công nghiệp thì tranh sơn mài truyền thống khó đứng vững trên thị trường.
Gồng mình giữ nghề
Trong bối cảnh nhiều họa sĩ có xu hướng chạy theo thị trường đã sử dụng sơn công nghiệp, sơn pha chế, thậm chí bỏ hẳn công đoạn mài tranh nhằm cho sản phẩm ra đời và tiêu thụ nhanh, thì nghệ nhân Vũ Huy Mến vẫn âm thầm, cần mẫn giữ lại cho mình dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Nghệ nhân Vũ Huy Mến hiểu giá trị sơn mài truyền thống, yêu nghề, tâm huyết với sơn mài và đây cũng là trách nhiệm để ông quyết tâm gìn giữ nó. Với ông, làm sơn mài truyền thống trước hết là để cho mình, sau là để bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống cho muôn đời sau.
Miệt mài giữ nghề với mong muốn sơn mài truyền thống phát triển trở lại, bên cạnh đó nghệ nhân Mến còn dành thời gian, tâm sức truyền dạy cách làm sơn mài theo lối cổ truyền với chất liệu sơn ta cho con cháu. Dù biết sơn mài truyền thống đã đuối sức cạnh tranh trên thị trường nhưng ông vẫn động viên, hướng con cháu của mình vào nghề sơn mài truyền thống. 73 tuổi đời, trên 50 năm tuổi nghề, ông vẫn cố tìm cho mình một truyền nhân để sau này trở thành hạt nhân lưu giữ nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái. Ông tâm niệm, thêm được người theo nghề là thêm cơ hội giữ nghề.
Trăn trở và tiếc nuối trước nguy cơ mai một, nghệ nhân Vũ Huy Mến (làng Hạ Thái) vẫn âm thầm giữ lại cho mình dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. |