Mặt nạ giấy bồi – Xa xăm nghĩ về ký ức “tùng rinh” |
Trên khoảng sân nhỏ, hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi đang được vợ chồng ông Vũ Huy Đông xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên hoàn thiện để giao cho khách.
Vợ chồng ông Vũ Huy Đông đang hoàn thiện những chiếc mặt nạ giấy bồi |
Nghệ nhân Vũ Huy Đông đang vẽ những họa tiết trên chiếc mặt nạ giấy bồi |
Vừa chăm chú vẽ những họa tiết trên chiếc mặt nạ giấy bồi, nghệ nhân Vũ Huy Đông vừa chia sẻ cho chúng tôi về nghề: Tôi theo nghề từ cha ông truyền lại đến nay đã trên 40 năm. Theo ông Đông, làm mặt nạ giấy bồi trải qua nhiều công đoạn: Đầu tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó đắp giấy vào khuôn xi măng rồi phủ lớp keo dính tạo độ cứng bằng bột củ sắn. Sau khi khô rồi mới sơn vẽ tạo sản phẩm mặt nạ giấy bồi.
Những chiếc mặt nạ đều có những thần thái riêng |
Ông Đông cho rằng, để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng đòi hỏi cần phải khéo léo, tỉ mỉ trên từng nét vẽ. Những chiếc mặt nạ phải mang lại thần thái, có được cái hồn của từng nhân vật. Người thợ sẽ nhấn vào các chi tiết râu, mắt..., sử dụng màu sắc tươi sáng, sinh động để tạo sự gần gũi, thân thuộc không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.
Phải khéo léo, tỉ mỉ trên từng nét vẽ |
Theo ông Đông, mặt nạ giấy bồi truyền thống có lợi thế cạnh tranh khi làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên chứa đựng sự tỷ mỉ của đôi tay con người, giúp giá thành rẻ hơn so với đồ chơi hiện đại. Hiện giá xuất xưởng mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi dao động từ 20 đến 50 nghìn đồng (tùy loại). Tuy nhiên hạn chế của mặt nạ giấy bồi là sự nghèo nàn về hình thức.
Nhiều mẫu mã, hình dáng bắt mắt |
Hồi xưa mặt nạ giấy bồi không có nhiều mẫu, chỉ có Tôn Ngộ Không, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở nhưng sau này để đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn, dần dần gia đình ông Đông đã sáng tạo thêm các mẫu khác với nhiều hình dáng bắt mắt. Sau khi nghiên cứu, ông Đông đã đưa ra mẫu mặt nạ 12 con giáp, qua đó vừa đa dạng hóa sản phẩm vừa phục vụ đúng nhu cầu sở thích cá nhân của từng khách hàng.
Hiện gia đình ông Đông phát triển rất đa dạng các loại mặt nạ giấy bồi. Từ những nguyên liệu thân thiện môi trường, thậm chí là phế liệu bỏ đi như tre, nứa, bìa catton cũng được ông “chế biến” thành những chiếc mặt nạ với nhiều hình dáng bắt mắt, mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi với hình dáng khác nhau đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt.
Niềm vui của ông Đông khi góp phần giữ gìn nghề mặt nạ giấy bồi truyền thống |
Ông Đông tâm sự, cũng có những khoảng thời gian khó khăn khi sản phẩm làm ra mà không ai mua. Nhưng rồi mình cứ kiên trì, vừa là vì yêu nghề vừa với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống. Tôi rất vui vì những năm gần đây, xu hướng hoài niệm đã giúp một số ngành nghề thủ công được hồi sinh, trong số đó có nghề làm mặt nạ giấy bồi. Tuy đơn sơ mộc mạc nhưng mặt nạ giấy bồi mang cả hồn cốt của ngày Tết Trung thu truyền thống.