Ông Lộc cùng với một số nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc, luôn nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm đặc sắc từ những gốc, rễ cây, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Qua tìm hiểu, những người yêu thích các sản phẩm gỗ mỹ nghệ ngày càng đòi hỏi cao hơn về độ tinh xảo, chất lượng của sản phẩm. Sở dĩ làng nghề gỗ mỹ nghệ tồn tại và phát triển khá tốt như hiện nay là vì mỗi sản phẩm làm ra đều mang nét đặc trưng riêng, có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng là điều khiến nhiều khách hàng trong và ngoài nước thường tìm đến các cơ sở gỗ mỹ nghệ ở Xuân Lộc để đặt hàng. "Vì vậy, bên cạnh việc tìm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, những người thợ còn phải suy nghĩ cách tạo hình cho từng tác phẩm để đảm bảo hai yếu tố đẹp và đặc sắc" - ông Lộc chia sẻ.
Nghệ nhân Đặng Công Lộc với tác phẩm điêu khắc gỗ |
Theo thời gian, bằng đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Nguyễn Công Lộc đã cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đẹp, mỹ thuật cao. Nét độc đáo của sản phẩm mộc mỹ nghệ của nghệ nhân Nguyễn Công Lộc ở chỗ được sản xuất thủ công từ nguyên liệu gốc, rễ cây với nhiều hình dáng đa dạng như tranh chân dung, phật Di Lặc, tượng Phúc Lộc Thọ cho đến các hình chim thú, rồng, ngựa, sư tử... Các sản phẩm được tạo ra từ quá trình lao động hăng say, cần mẫn, chăm chút với lòng đam mê, nhiệt huyết và mang cả tâm hồn của người nghệ nhân.
Với sự đam mê nghề, sáng tạo đã giúp ông Lộc trở thành nghệ nhân giỏi trong lĩnh vực chế tác các sản phẩm mộc mỹ nghệ. Mở xưởng điêu khắc Minh Toàn Lộc cũng là cách mà ông Lộc muốn lưu giữ nghề cho mình, truyền dạy nghề cho các bạn trẻ có mong muốn học nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện nay, cơ sở Minh Toàn Lộc nhận làm tất cả các mặt hàng từ đơn giản đến cao cấp, sản phẩm mộc ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn. Ông Đặng Công Lộc đã được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân vì đã có nhiều đóng góp cho nghề mộc mỹ nghệ tại địa phương.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nghề mộc mỹ nghệ phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường đầu ra. Do nguồn nguyên liệu gỗ, gốc cây tự nhiên ngày càng cạn kiệt, bên cạnh đó là sự khó khăn về kinh tế, khách hàng ngày càng giảm sút, thị trường ngày càng thu hẹp. Để tồn tại và bán được hàng đòi hỏi mỗi cơ sở sản xuất cần nỗ lực chủ động tìm kiếm thị trường, tạo dựng uy tín, thương hiệu và duy trì đội ngũ thợ giỏi.
Ông Lộc chia sẻ thêm, gần 20 năm gắn bó với nghề điêu khắc gỗ, theo học nghề cũng nhiều vất vả khó khăn, phải tự túc mọi chi phí. Khi đã làm được thành phẩm, mang lên Sài Gòn bán cho mấy cửa hàng thủ công mỹ nghệ mà trong lòng hồi hộp vì sợ không bán được. Nhiều chủ cửa hàng không tin vào chất lượng sản phẩm của mình, nhiều khi bị ép giá cũng phải bán để còn có chi phí trang trải cho việc học nghề, mưu sinh, để tiếp tục tồn tại với nghề. Từ chính con đường mưu sinh, tồn tại với nghề mà mình đã trải qua, theo ông Lộc việc quan tâm phát triển làng nghề không những tạo đầu ra cho sản phẩm mà còn giải quyết việc làm cho người lao động. Các sản phẩm mộc mỹ nghệ thường được khách du lịch chọn làm quà lưu niệm, nên việc gắn kết giữa sản xuất với du lịch làng nghề có lẽ là hướng đi giúp làng nghề truyền thống phát triển bền vững hơn.
Câu chuyện phát triển nghề của nghệ nhân Lộc còn dựa trên việc đào tạo, truyền dạy cho các bạn trẻ và phát triển thu nhập dường như cũng đang được ông theo đuổi và thực hiện bằng tạo điều kiện kết hợp giữa học nghề và thu nhập cho học viên. Do được học đủ các khâu đoạn trong nghề miễn phí, lại kiếm được tiền từ những sản phẩm làm ra nên ông Lộc hy vọng ngày càng có thêm các bạn trẻ ở địa phương theo nghề.
Ngoài ra, cũng như nhiều nghệ nhân khác, ông Lộc cũng mong muốn nếu Nhà nước có những chính sách bảo tồn thích hợp với các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống như: Hỗ trợ một phần trợ cấp hàng tháng, tạo điều kiện việc làm, hỗ trợ vay vốn, quy hoạch hướng phát triển làng nghề… thì tin chắc rằng các làng nghề truyền thống nói chung và những nghệ nhân trẻ sẽ phát huy được hết khả năng, thế mạnh vốn có của mình.