Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, việc phát triển thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhưng phải nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác theo đúng yêu cầu nêu tại Nghị quyết 62/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đối với các dự án thủy điện sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch nếu có ảnh hưởng đến đất rừng hoặc không đảm bảo hiệu quả đầu tư, phải kiên quyết loại bỏ khỏi quy hoạch. Đặc biệt, tăng cường quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường, quản lý chất lượng công trình chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An kiểm tra công tác an toàn thủy điện |
Năm 2021, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Công Thương triển khai thực hiện Quyết định số 3575 ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện; Công văn số 9844 ngày 22/12/2020 của Bộ Công Thương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, công trình thủy điện; Thông báo số 85 ngày 25/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, một số nội dung đang triển khai thực hiện, không những tổ chức nghiên cứu, khảo sát để bổ sung mới quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh mà còn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Lấy an toàn hồ, đập làm nhiệm vụ trọng tâm
Với chức năng quản lý chung về thủy điện, theo ông Phạm Văn Hóa, Sở Công Thương đã có nhiều giải pháp bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy điện, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. Với vai trò đầu mối, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như của tỉnh Nghệ An một cách rõ ràng, cụ thể.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát các dự án, công trình thủy điện về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và an toàn đập, hồ chứa; đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án, công trình thủy điện; đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại các dự án, công trình thủy điện nhằm phát triển thủy điện trên địa bàn đạt hiệu quả.
Về nguồn cung hiện tại, cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, hệ thống truyền tải, phân phối trên địa bàn đáp ứng nhu cầu phụ tải của tỉnh. Ngoài ra các nguồn nhà máy tại chỗ, mua điện từ Lào ở cụm thủy điện Nậm Mô đã được chấp thuận ở văn bản số 1490/TTg-CN trong đó gồm 11 nhà máy với tổng công suất 505 MW đấu nối vào trạm biến áp 220kv Tương Dương. Tỉnh Nghệ An đã đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu với công suất 100 MW, hai nhà máy điện mặt trời tại khu vực hồ Vực Mấu có công suất 200MWp và khu vực hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh với công suất 250MWh.