Sở Công Thương An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vượt khó Thanh Hoá: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 ước tăng 10,26% |
Công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, giá trị gia tăng công nghiệp năm 2021 đạt 15.282 tỷ đồng, năm 2022 đạt 17.211 tỷ đồng, năm 2023 đạt 18.123 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 03 năm 2021 - 2023 đạt 11,18%/mục tiêu đến năm 2025 đạt 13,5-14,5%. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) năm 2021 đạt 74.290 tỷ đồng, năm 2022 đạt 81.822 tỷ đồng, năm 2023 đạt 88.299 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 03 năm 2021 - 2023 đạt 10,62%/mục tiêu đến năm 2025 đạt 16,5-17,5%.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An kiểm tra các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp Hưng Lộc. (Ảnh: Văn Hiêp) |
Báo cáo của ngành Công Thương tỉnh Nghệ An cho thấy, tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) đến năm 2023 chiếm 17,38%. Cơ cấu nội ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 30,49% năm 2021 lên 31,79% năm 2022; năm 2023 đạt xấp xỉ 32%/mục tiêu đến năm 2025 đạt 39 - 40%.
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 4 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An tăng 8,58% so với 4 tháng/2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,57%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,36%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,9%
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng như: Khai thác đá xây dựng tăng 68,53% do nhu cầu cung cấp cho các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh tăng; đường kính đạt 103.799 tấn do giá đường thế giới tăng cao do nguồn cung đường từ Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh, năng suất mía tăng lên và diện tích vùng nguyên liệu mía được giữ ổn định; sữa tươi tăng 14,02%, do cả hai Nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đều duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An kiểm tra hiện trường việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản các mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Văn Hiêp) |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phát triển công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương Nghệ An cũng thẳng thắn chỉ ra một số sản phẩm giảm so với 4 tháng năm 2023 như: Sản xuất xi măng giảm 5,19% do nhu cầu xây dựng dân dụng giảm thấp, thị trường bất động sản phục hồi chậm; sản xuất sợi giảm 3,79%/cùng kỳ; sản xuất và gia công giày dép, linh kiện điện tử, sản xuất ván MDF; điện sản xuất 836 triệu KWh, giảm 4,18% do các nhà máy lớn (Bản Vẽ, Hủa Na) tiết giảm công suất phát điện để tích nước phục vụ cho mùa khô năm 2024.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Trong đó, tỉnh Nghệ An xác định, phát triển sản xuất công nghiệp sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt từ 15 đến 16% trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tham mưu, thực hiện kế hoạch Tổ công tác thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và các thiết bị chính xác Goetek giai đoạn 2 mở rộng lên 500 triệu USD; Dự án sản xuất dây cáp điện Việt Á; Dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng; Nhà máy sản xuất gỗ MDF Nghệ An,... Phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa... Tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công, quy trình vận hành của các dự án thủy điện, kịp thời thực hiện, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương thăm mô hình sản xuất Tảo xoắn tại Công ty CP Khoa Học Công Nghệ Tảo Việt Nam tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. (Ảnh: Văn Hiêp) |
Bên cạnh đó, ngành Công Thương tỉnh Nghệ An cũng sẽ phối hợp với các đơn vị nhằm thực hiện việc khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của trung ương và địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đẩy mạnh xúc tiên thương mại, xúc tiến xuất khẩu và thông tin thị trường; kết nối thị trường tiêu thụ; đáp ứng nhu cầu năng lượng điện ổn định phục vụ sản xuất.
Tiếp tục phối hợp kết nối, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo phương án phát triển cụm công nghiệp đã được tịch hợp vào quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cũng tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ chủ trương chính sách, kiến thức lĩnh vực công thương; công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực như an toàn điện, khai thác khoáng sản, thuỷ điện, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể nói, những năm qua, ngành Công Thương tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển công nghiệp làm động lực thức đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều năm nay, Nghệ An được đánh giá là tỉnh có nhiều nỗ lực nhằm thu hút đầu tư với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được đầu tư đầy đủ hạ tầng sẵn đón "đại bàng". Liên tiếp trong các năm 2022 và 2023, tỉnh Nghệ An đứng vào tốp 10 địa phương có thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước. Cụ thể năm 2022, với gần 1 tỷ vốn FDI, tỉnh Nghệ An đứng thứ 10/63; năm 2023, tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ lần đầu tiên vào "câu lạc bộ hút FDI tỷ đô" với số vốn vượt 1,6 tỷ USD, đứng thứ 8/63.