Chủ tàu Hoàng Văn Nam, khối 10, phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) cho biết, từ sau Tết đã ra khơi 4 chuyến biển. Với 2 con tàu đánh bắt công suất lớn 470 CV và 1 tàu vận chuyển, anh Hoa thu về sản lượng trên 10 tấn cá gồm cá cơm, cá nhỏ, tôm, mực các loại; trừ chi phí lãi ròng hơn 80 triệu đồng.
Lao động nghề biển lâu nay làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm |
Chuyến biển đầu năm như vậy là "đỏ" vì chi phí dầu máy, ăn uống giảm nhiều so với những chuyến trước. Tuy nhiên, điều anh Nam lo lắng nhất là việc tìm lao động đi biển hiện rất khó. Để có được 16 - 18 lao động cho chuyến ra khơi, anh phải thuê thêm 7 - 10 lao động tự do.
Đây là tình trạng chung, bởi ra Tết lao động thường có tâm lý nhảy việc, còn tâm lý ham chơi, tìm việc mới, đi xuất khẩu lao động… Các chủ tàu phải thuê lao động từ trước Tết, kể cả những lao động chưa có kinh nghiệm đi biển cũng phải thu nhận. Đó là chưa kể đến chuyến biển thắng lợi thì lao động đi tiếp chuyến sau, còn nếu thua lỗ họ sẵn sàng "nhảy" việc… Không chỉ thiếu hụt về lao động mà ngay cả khi có lao động thì lao động có nghề càng thiếu. Hiện, các lao động biết sử dụng các phương tiện máy móc trên tàu như máy dò ngang, định vị hải độ, thông tin liên lạc xa bờ, đòi hỏi kỹ năng đi nghề… không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) - cho biết, lao động nghề biển lâu nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Toàn xã hiện chỉ có hơn 50% số lượng lao động trong nghề biển được tập huấn các khóa học ngắn ngày, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền máy, thuyền viên; số lao động còn lại chưa qua đào tạo về kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc mở lớp đào tạo nguồn nhân lực đi biển đủ kiến thức, yêu cầu kỹ thuật cao dường như chưa được chính các lao động quan tâm đúng mức. Đây đang là trở ngại lớn cho việc khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản của địa phương…
Hiện, ở các cơ sở, làng nghề đóng tàu truyền thống, nhiều nơi rất khó tuyển được lao động để học việc và sản xuất đáp ứng cho các đơn hàng. Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đóng tàu thuyền Trung Kiên - Nghi Thiết (Nghi Lộc) - lo lắng: Thanh niên hiện nay ít gắn bó với nghề truyền thống. Do tính rủi ro, thu nhập bấp bênh, hợp đồng thuê lao động tự do khai thác hải sản thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc dẫn đến tình trạng lao động nghề biển tự ý bỏ việc càng nhiều...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An - ông Chu Quốc Nam - cho hay: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.900 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có trên 1.200 tàu công suất từ 90CV trở lên. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, chi cục phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho trên 300 thuyền trưởng hạng 4, hạng 5, máy trưởng 140 chứng chỉ và 118 chứng chỉ thuyền viên. Số lượng đào tạo này so với nhu cầu là chưa đáp ứng.
Về lâu dài, các địa phương, chủ tàu và Hiệp hội nghề cá ở vùng ven biển cần có chiến lược đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản, nhất là các kỹ thuật đánh bắt tiên tiến đang áp dụng trong hiện đại hóa đội tàu và các quy định của nhà nước, quốc tế về đánh bắt, khai thác nguồn lợi từ biển mang lại. |