Doanh nghiệp và nông dân phải hiểu kinh tế số
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 113 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 87 sản phẩm được công nhận 3 sao và 26 sản phẩm được công nhận 4 sao. Thế nhưng, năm nay dịch bệnh kéo dài, các sản phẩm nông sản và các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, cùng với sự vào cuộc từ phía chính quyền một số doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn.
Thương hiệu cam Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) đang bước vào mùa thu hoạch, việc tổ chức chương trình livestream trực tiếp tại vườn vừa qua giúp trang trại quảng bá hình ảnh cam Vinh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước |
Sản phẩm dầu gội đầu thảo dược truyền thống của Công ty TNHH Thương mại Hà Duy Minh (huyện Đô Lương) đã xây dựng quy trình sản xuất dầu gội tự nhiên đạt chất lượng cao và được UBND tỉnh Nghệ An chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020.
Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, là một người trẻ nên chị Nguyễn Thị Hà - giám đốc công ty rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, chị Hà chủ yếu đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội và đến thời điểm này, các sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng khá vững chãi trên sàn TMĐT.
Chia sẻ về quá trình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT để tiêu thụ, chị Hà cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ bán hàng theo kênh truyền thống thì lượng hàng tiêu thụ sẽ không được nhiều, bên cạnh đó, sản phẩm cũng sẽ không được nhiều người biết đến.
Thế nên, ngay từ khi bắt đầu, chị Hà bắt đầu tuyển các cộng tác viên tiềm năng để lập các “nhóm” bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, zalo… Bên cạnh đó, chị Hà còn dành ra một khoản kinh phí để duy trì và đưa sản phẩm dầu gội thảo dược giới thiệu trên các trang TMĐT lớn với lượng theo dõi đông như LADADA, SHOOPE…
“Ban đầu việc đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thấy việc bán hàng trên không gian mạng sẽ là xu thế thời gian tới, nên mình đã không ngừng nỗ lực tìm tòi để đưa sản phẩm đến đúng trang có đông lượng tương tác. Đến nay, việc bán hàng trên không gian mạng đang được duy trì ổn định với doanh thu khá cao và ổn định. Nhờ kết nối qua các sàn TMĐT mà sản phẩm công ty đã xuất khẩu qua được Singapo, Đài Loan và Trung Quốc…” chị Hà nói.
Cũng theo chị Hà, cái khó nhất hiện nay khi tham gia các sàn TMĐT đó là, kinh nghiệm marketing, đặc biệt là marketing online, nên khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, các đơn vị OCOP vẫn gặp nhiều lúng túng.
Ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại cam Đồng Thành (huyện Yên Thành) cho hay, hầu hết các đơn vị tham gia OCOP đều thiếu kinh nghiệm về công nghệ, khi tham gia sàn TMĐT nhất định gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, khi cam Đồng Thành tham gia chương trình livestream quảng bá cam Vinh đã đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho các nhà vườn, nhất là trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm của mình.
Sau khi chương trình livestream trực tiếp diễn ra, đã có nhiều khách hàng mới trên khắp cả nước gọi điện đến đặt vấn đề kết nối, tiêu thụ, một số người thì xin địa chỉ trực tiếp để đến tham quan và tìm hiểu cụ thể, trung bình mỗi ngày trang trại bán ra từ 4-5 tấn cam, sau khi chương trình diễn ra số lượng cam bán ra đã có tăng hơn.
Lâu nay, DN đã đảm bảo được hình ảnh và chất lượng sản phẩm, nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý TMĐT, và cũng mới được gắn sao OCOP 3 sao vào năm 2021 nên cũng chỉ mới bước đầu tiếp cận sàn TMĐT và gặp không ít bỡ ngỡ. “Những sàn TMĐT như Shopee, Lazada đều quá rộng lớn, chưa có sự hỗ trợ bắt đầu cho các sản phẩm OCOP. Vừa qua, thông qua sàn TMĐT Tập đoàn Massan tìm hiểu, kết nối tiến hành ký kết đưa sản phẩm cam Đồng Thành vào hệ thống siêu thị Vinmart một cách lâu dài và ổn định...” ông Trịnh Xuân Giáo thông tin.
Vai trò “bà đỡ” của chính quyền
Chia sẻ về quá trình nỗ lực của các đơn vị khi đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, ông Cao Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngoài việc các đơn vị chủ động tự tìm trang để bán sản phẩm lên các sànTMĐT, Sở đã phối hợp với Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số- Bộ Công Thương hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP tham gia phân phối hàng hoá qua “gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn TMĐT.
Thực hiện nâng cấp sàn giao dịch TMĐT Nghệ An, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng gian hàng cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch TMĐT http://37nghean.com và phối hợp phát triển quảng bá, phát triển thương hiểu sản phẩm hàng hoá.
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và siêu thị bán lẻ hiện đại là một trong những giải pháp đầu ra dài hạn cho sản phẩm OCOP địa phương |
Thời gian qua, Sở Công Thương Nghệ An đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP Nghệ An trên nền tảng số, ứng dụng TMĐT, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0. Hướng tới xu thế hiện đại, văn minh trong buôn bán, kinh doanh, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong mọi khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các sàn TMĐT lớn. Đặc biệt là phát huy vai trò làm “cầu nối” với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn TMĐT lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của Nghệ An tốt hơn nữa thời gian tới, - ông Cao Minh Tú nhấn mạnh.
Trong thời điểm năm 2021, 2022 tỉnh Nghệ An lựa chọn các nhóm hộ sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... các sản phẩm có tiềm năng theo đề xuất của địa phương để tập trung hỗ trợ xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên TMĐT.
Qua đó sẽ tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản mở gian hàng trên sàn TMĐT và hoạt động tác nghiệp trên sàn TMĐT. Đối với công tác hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh sẽ thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của DN bưu chính sở hữu sàn TMĐT.
Trong năm 2021 và năm 2022 Nghệ An đã và sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên 2 sàn TMĐT “Postmart.vn” của VNPost, “Voso.vn” của ViettelPost; nghiên cứu mở rộng trên sàn “37nghean.com” do Sở Công Thương quản lý. Ngoài ra, sẽ mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả và chất lượng triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương với mục tiêu cụ thể: Có ít nhất 300 sản phẩm OCOP; Phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Phát triển từ 8-10 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5-8 sản phẩm đạt hạng 5 sao hướng tới xuất khẩu... |