Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Nghệ An đã xây dựng và triển khai Kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.
Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi
Sau giãn cách, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phải tạm dừng hoạt động. Thời điểm cao điểm nhất có 32 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và gần 16.000 người, chiếm tỷ lệ 50% người lao động trong khu kinh tế (KKT), các khu công nghiệp (KCN) phải tạm thời nghỉ việc.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó. Trong năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,01% so với năm 2020, các nhóm ngành tăng tập trung vào sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 27,95%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,69%; công nghiệp khai khoáng tăng 14,73%.
Trong năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,01% so với năm 2020 |
Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với năm 2020, gồm Tôn thép Hoa Sen các loại ước đạt 1.215 nghìn tấn, tăng 39,72%, vượt 73,57% kế hoạch; sữa chế biến 278,3 triệu lít, tăng 8,82%, đạt 93% kế hoạch; xi măng ước đạt 8,97 triệu tấn, tăng 21,84%, vượt 9,39% kế hoạch; quần áo dệt may ước đạt 70,0 triệu cái, tăng 63,15%, vượt 40% kế hoạch… đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.
Một số nhà máy đi vào hoạt động trong năm có tác động tích cực đến tăng trưởng như, Nhà máy xi măng Tân Thắng, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An, Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối (Biomass, DKC), Nhà máy may (An Nam Matsuaka, Nam Thuận, TAAD, Hanosimex Nghi Lâm...), Nhà máy sản xuất đường lỏng, sản xuất giày da (Đỉnh Vàng), sản xuất cần câu cá (Great Longview)…
“Nhìn chung, đến thời điểm này dịch cơ bản được kiểm soát do các địa phương đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng Kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Tại hầu hết các địa phương, sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết…”, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhận định.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hoá, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn nhất định do chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, cước vận tải, chi phí đầu vào... tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng…
Để phát triển sản xuất công nghiệp tháng cuối năm, Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, dự án nhằm nắm bắt khó khăn vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm khai thác hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm.
Sở Công Thương tăng cường bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư dở dang đưa vào hoạt động theo kế hoạch để bổ sung thêm năng lực sản xuất mới.
Cụ thể, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án công nghiệp trong năm 2022, như dự án sản xuất cấu kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, công suất 270 triệu sản phẩm/năm; Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử JuTeng tổng mức đầu tư 200 triệu USD tại KCN Hoàng Mai 1; khởi công đầu tư xây dựng các dự án sản xuất may mặc gồm: Nhà máy may An Hưng 2 tại xã Thọ Thành 10 triệu SP/năm, Nhà máy may Minh Anh Tân Kỳ 10 triệu SP/năm, giai đoạn 2 Nhà máy sản xuất và gia công giày dép Viet Glory công suất 9,5 triệu SP/năm; hoàn thành và đưa vào hoạt động dây chuyển mở rộng Nhà máy chế biến sữa TH Truemilk tăng thêm 200 tấn sữa/ngày…
Cùng với đó, tập trung thu hút các dự án công nghiệp về điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí lắp ráp và sản xuất vật liệu mới. Về công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các dự án sản xuất nhà cửa lắp ghép thông minh kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn công nghệ 4.0; các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử và công nghệ thông tin như nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính, pin máy vi tính xách tay, pin điện thoại di động; linh kiện điện - điện tử ngành công nghiệp ô tô… các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô các loại; các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc…