‘Càng ra khơi càng lỗ’
Những ngày này, ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Văn Chính, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thi thoảng lại có cán bộ ngân hàng cùng cán bộ xã tìm tới để nắm tình hình. Ba năm từ ngày dốc hết vốn liếng chuyển từ tàu gỗ công suất nhỏ qua tàu vỏ thép, những chuyến ra biển của ông Chính và những ngư dân Quỳnh Long luôn trĩu nặng những con số.
Những con tàu công suất lớn đóng theo Nghị định 67 đang gây nợ nần cho chủ tàu |
Đưa ra một tập hồ sơ vay nợ con tàu NA 99977-TS, ông Chính cho biết, mỗi còn tàu đóng theo Nghị định 67/CP có chi phí từ 10 - 12 tỷ đồng, ngư dân ở đây vay thấp nhất là trên 5 tỷ và nhiều nhất khoảng 7 tỷ đồng nên lãi vay cộng với gốc mỗi tháng phải trả cho ngân hàng quá lớn. Tùy vào mức vay vốn từng tàu nhưng bình quân mỗi tháng ông phải trả ngân hàng từ 30- 40% doanh thu, những lúc trời yên biển lặng còn đỡ chứ vào những tháng biển động ngồi bó gối ở nhà là lo ngủ không được.
"Lúc trước tôi và bà con đầu tư tàu gỗ nhỏ, mỗi chuyến ra khơi về lãi ít nhiều cũng dư được vài chục triệu. Nhưng từ khi đóng tàu mới tới nay, thì thấy toàn lỗ, trong đó phần lớn là phí ra khơi, tiền sửa chữa các hư hỏng con tàu, giờ càng ra khơi càng lỗ" - ông Chính nói.
Thời điểm trước năm 2019, Nhà nước hỗ trợ các chủ tàu toàn bộ lãi suất cũng như chi phí bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm thuyền viên, trang thiết bị, ngư lưới cụ… nhưng sau năm 2019, theo Nghị định 17/CP sửa đổi bổ sung, chủ tàu chỉ được hỗ trợ 50% lãi suất và hỗ trợ 1 lần 30% kinh phí với điều kiện đóng mới tàu vỏ thép; mức hỗ trợ mua phí bảo hiểm thân vỏ cũng về mức 50% và không bao gồm ngư lưới cụ nên đánh bắt xa bờ đã khó càng khó hơn.
Cùng cảnh ngộ, ông Hoàng Văn Hoa, TX Cửa Lò, cho biết, ban đầu được Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng nên các ngư phấn khởi vươn khơi bám biển. Nhưng đến năm 2019, các chủ tàu nếu không trả nợ đúng hạn sẽ không được hưởng ưu đãi về lãi suất và bắt đầu thời gian trả nợ nên áp lực lớn dần và cộng thêm đánh bắt không hiệu quả, tiền công lao động cao, thiếu lao động có tay nghề. Sau khi hạ thủy ra biển đánh bắt đã phát sinh rắc rối. Những ngư dân quen với tàu gỗ đã lúng túng trước con tàu hiện đại, các thiết bị trên tàu gặp nhiều trục trặc. Nhiều chủ tàu đầu tư, “độ” thêm máy phát, dàn đèn điện cao áp để đánh bắt, chưa thấy hiệu quả nhưng chi phí xăng dầu lại cao thêm.
Nhưng bi kịch hơn là không chỉ tàu hư hỏng vặt mà việc đánh bắt cũng không hiệu quả, buộc nhiều ngư dân phải chuyển hướng đánh bắt, nhưng cũng không đủ bù lỗ. Bất lực, nhiều như dân đành cho tàu nằm bờ. "Con tàu này tôi được vay gần 11 tỷ đồng, đến giờ dư nợ trên 10 tỷ đồng, và đã bị chuyển qua nợ xấu. Đến nay đã có bản án và đang chờ cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành án. Nhìn con tàu nằm bờ không hoạt động được, giờ lại thành như của nợ" - ông Hoa chua chát.
Ngân hàng "mắc cạn" cùng ngư dân
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Nghệ An, tới nay, qua 6 năm trong tổng số 104 tàu vay vốn, (ngoài 3 tàu gặp sự cố đã tất toán) thì 101 tàu còn lại cũng lâm vào cảnh nợ nần tới 647,5 tỷ đồng, trong đó có 64 tàu có nợ quá hạn, 52 tàu bị chuyển nợ xấu với dư nợ là 373,9 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng dư nợ vay đang trong tình trạng có hoạt động nhưng đa số là làm ăn cầm chừng. Cũng theo NHNN Chi nhánh Nghệ An, số tàu lâm vào cảnh nợ nần hiện nay có tới 20 tàu bị các ngân hàng thương mại khởi kiện, niêm phong nằm bờ.
Qua 6 năm, 101 trong tổng số 104 tàu cá đóng theo Nghị định 67 tại Nghệ An đã để lại cả đống nợ cho ngư dân |
Thêm một khó khăn đối với ngư dân, nếu như 4 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân vỏ nên Công ty Bảo hiểm PJICO được chỉ định bán cho ngư dân. Thế nhưng từ năm 2019, số tàu 67 đi biển bị tai nạn khá nhiều. Từ năm 2014 - 2021 xảy ra 9 vụ cháy và chìm tàu; gần 2.540 vụ liên quan thân tàu và 267 liên quan đến con người khiến số tiền bồi thường lên tới 118,116 tỷ đồng. Thế nên, từ cuối năm 2019, khi các con tàu 67 hết hạn bảo hiểm thì PJICO không bán bảo hiểm thân vỏ nữa khiến cả ngân hàng và ngư dân đều thấp thỏm mỗi khi ra khơi.
Phó Giám đốc VietinBank Nghệ An - ông Nguyễn Chiến Thắng - cho biết, Vietinbank là một trong các ngân hàng thương mại tại Nghệ An tham gia cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67. Thời gian đầu có tới 60% tàu ngư dân vay vốn, đánh bắt về hàng tháng đều trả lãi vay đầy đủ nhưng từ năm 2020 lại đây, một phần do ngư dân gặp khó, một phần thì cũng chây ì nợ. Dẫn đến các ngân hàng gặp khó trong việc theo dõi dòng tiền, thu nợ cũng như kê biên, phát mại tài sản đảm bảo… nên dư nợ và nợ xấu ngày càng tăng nhanh.
Hay vị đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Nghệ An (Agribank Nghệ An) cũng cho biết, đa số các tàu mà ngân hàng này cho vay vốn theo Nghị định 67 cũng đang rất vất vả trong việc thu hồi nợ. Ngư dân nợ nần đầm đìa mà phía ngân hàng cũng có nguy cơ phải đưa các tàu này vào diện nợ xấu. Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Nghệ An (BIDV Nghệ An) cũng cho biết, toàn bộ tàu mà ngân hàng cho ngư dân vay đóng mới đến nay đều lâm vào nợ xấu, việc thu hồi nợ vô cùng gian nan.
Theo NHNN Chi nhánh Nghệ An: Trước tình hình nóng về dư nợ vay tàu 67 trên cả nước, liên bộ Ngân hàng - Tài chính và Nông nghiệp đã có Thông tư liên tịch số 01 ngày 13/3/2021 hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có khoản vay tàu 67. Thế nhưng, hiện việc áp dụng Thông tư này còn một số vướng mắc chưa thể viện dẫn vào khoanh nợ hay giãn nợ nhưng 1 số tàu đã được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ. Các nội dung khác cần được NHNN và các bên liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thêm nhưng nếu các bên thực sự có trách nhiệm và tìm được tiếng nói chung thì có thể giải quyết được vướng mắc trên. |