Do dịch Covid-19, các chợ truyền thống ở Nghệ An như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Sen (Nam Đàn)... rơi vào cảnh đìu hiu, vắng cả người bán lẫn người mua. Hàng nghìn ki ốt vẫn đóng cửa dù thành phố cho mở bán lại khá lâu.
Dịch Covid-19 đã làm cho người dân dần thay đổi nhiều thói quen, nhất là thói quen mua sắm. Vì thế, các chợ truyền thống ở Nghệ An rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách. Sau nhiều đợt giãn cách kéo dài, các chợ truyền thống bị đóng cửa để phòng dịch, việc kinh doanh của các tiểu thương chưa kịp hồi phục thì một lần nữa, lại "gặp khó" khi lượng khách đến chợ ngày càng thưa.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến cho các tiểu thương ở chợ truyền thống của tỉnh Nghệ An lâm vào cảnh buôn bán ế ẩm, doanh thu đi xuống do lượng khách hàng giảm tới 70% |
Đầu tháng 11, phóng viên có mặt tại chợ Vinh - khu chợ truyền thống sầm uất nhất tỉnh Nghệ An. Khác hẳn với cảnh tấp nập trước đây, chợ Vinh nay có phần ảm đạm. Khu tấp nập nhất chỉ có khu vực bán hàng thiết yếu như trái cây, rau củ, quả, thịt, cá. Hầu như những người đi ngang qua chỉ vội mua mớ rau, con cá rồi vội vàng đi, chỉ một lượng khách rất ít là gửi xe đi vào chợ.
Ngoài tầng 1 của đình chính vẫn có lượng khách nhất định thì tại tầng 2 đình chính lượng khách giảm rõ rệt, nhiều ki ốt “cửa đóng, then cài”, treo biển chuyển nhượng, cho thuê lại.
Bà Dung - bán rau đã gần 20 năm ở chợ Vinh cho biết, vì rau là thực phẩm thiết yếu hằng ngày nên dù dịch thì lượng hàng vẫn khá ổn định, chỉ thay đổi cách bán hàng thôi. "Giờ chợ đã hoạt động bình thường rồi, quầy rau của tôi ngay bên đường, khá tiện nên tôi bán vẫn ổn định ngày qua ngày…", bà Dung nói.
Khác hẳn với cảnh tấp nập bên ngoài, đi sâu vào phía trong chợ là các quầy đồ tạp hoá, đồ khô, quần áo, giày dép... vắng bóng khách, chủ yếu là tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau. Đi hết một vòng phía trong chợ, chỉ vài ba người khách đi mua mấy món đồ cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ ki ốt bán quần áo ở chợ Vinh - cho biết, lâu nay chuyển qua bán online cũng tạm quen. Theo chị Hạnh, đặc thù là chợ sỉ nên bình thường khoảng 60-70% khách hàng tại chợ là khách sỉ ở các tỉnh. Tuy vậy, từ đợt dịch đến nay lượng khách cũng giảm hẳn, do khách sỉ chủ yếu là ở các huyện nên cũng hạn chế nhiều. Cũng theo chị Hạnh, “Cả tuần không mở bán hàng là bình thường”. Nhiều chủ ki ốt cho biết từng đăng ký ngưng kinh doanh 3 - 4 tháng, nay quay lại mở bán với hy vọng bán hàng tết, nhưng cũng không ăn thua. Theo tiểu thương kinh doanh tại chợ, năm 2021 doanh số bán hàng sụt giảm thê thảm, nhiều thời điểm giảm đến 60 - 80%.
Dù mở lại khá lâu, lượng khách đến chợ truyền thống hiện khá ít ỏi |
Bà Lan - chủ một quầy sạp chuyên bán quần áo ấm, jeans, thun... nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, do dịch nên không thể sang Trung Quốc để mua hàng, toàn mua qua mạng, hình ảnh và sản phẩm thực tế một trời một vực, nên hàng đặt mua về, bán không được, trả không xong khiến nhiều tiểu thương bị thua lỗ nặng, phá sản, ăn thâm vốn, nhiều người phải âm thầm rời chợ. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng cũng tăng gần gấp đôi, hàng về không bán nổi do... chất lượng tệ quá. Tiểu thương mất cả chì lẫn chài.
Chúng tôi ghé chợ Ga Vinh, khu chợ này chỉ có khách mua ở quầy hàng thiết yếu, còn lại cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Từ ngày chợ được mở cửa không khí mua bán tấp nập hơn, cho dù lượng khách đến mua hàng chỉ bằng một phần của thời điểm trước dịch. Chị Thanh, bán hàng tại quầy áo quần ở tầng 2 chợ Ga Vinh, cho hay: “Từ ngày dịch, vẫn ngóng sẽ được giảm thuế giảm phí thuê quầy ki ốt, nhưng rồi cũng chưa thấy đâu. Ở chợ này giờ buôn bán khó, nhiều tiểu thương bỏ chợ lắm rồi. Bà Huyền - tiểu thương bán tạp hóa ở chợ Ga Vinh than thở: "Không dọn hàng đi chợ không được, mà dọn hàng bán thì chỉ ngồi chơi, hoạ may lắm bán được vài ba khách, từ đợt dịch khách đi vô trong chợ ít lắm".
Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh - cho biết, đã mấy năm nay tình hình thị trường nhìn chung tương đối khó khăn, chợ Vinh cũng không ngoại lệ. Toàn chợ Vinh có hơn 3.200 hộ kinh doanh nhưng hiện nay số lượng các hộ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh chiếm khoảng 50 - 60%, tập trung chủ yếu ở tầng 2 đình chính và khu vực đình Đông, đình Tây.
Nguyên nhân được ông Đắc đưa ra là do dịch bệnh kéo dài, một số ki ốt trong chợ thích nghi cách bán hàng online, vì dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát hết nên các tiểu thương vẫn ngại ra chợ. Thêm nguyên nhân nữa là khách mua tới chợ phải khai báo y tế nên họ cũng rất ngại gửi xe vào chợ. Tại chợ Vinh khu đình Tây tiểu thương nghỉ nhiều ở các quầy hàng tạp hoá, quần áo, giày dép….
Theo ghi nhận, dù chợ đã mở cửa từ ngày 24/9 nhưng đến nay số lượng tiểu thương bán trở lại tại chợ Vinh (TP.Vinh) chỉ mới đạt trên dưới 50% |
Tương tự, số lượng tiểu thương mua - bán thời gian qua ở chợ Ga Vinh cũng chỉ ở mức khiêm tốn, và hầu hết chỉ bán trong buổi sáng. Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Vĩnh Hùng - Trưởng Ban quản lý chợ Ga Vinh - cho biết: “Chợ vẫn chưa hoạt động bình thương, các tiểu thương mới chỉ đến chợ được khoảng 350/600 tiểu thương, số còn lại vẫn tạm nghỉ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của bán hàng online cũng như tình trạng bán hàng tràn lan trên các tuyến đường, vỉa hè cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của chợ truyền thống. Dự báo nếu tình trạng như vậy kéo dài chắc chắn tiểu thương sẽ còn “rơi rụng” nữa…”, ông Hùng nói.
Hay tại chợ Quán Lau (TP. Vinh), theo Ban quản lý chợ thì hiện có khoảng 50% tiểu thương đang nghỉ kinh doanh dù chợ đã được mở cửa trở lại khá lâu. Theo tìm hiểu của phóng viên thì một số tiểu thương nghỉ do ngại dịch, số còn lại thì chuyển ra ngoài kinh doanh vì trong chợ vừa xuống cấp, vừa đìu hiu, không thể bám trụ.
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ Vinh, chợ Ga, chợ Quán Lau… đều kiến nghị UBND thành phố nên xây dựng chính sách giảm thuế cho tiểu thương trong mấy tháng tới và khuyến khích tinh thần “bám” chợ truyền thống, tiếp tục kinh doanh, đóng thuế cho thành phố đều hơn.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay TP. Vinh đã mở cửa trở lại 22/26 khu chợ, gần 12.000 tiểu thương đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các bước phòng dịch tại chợ vẫn được duy trì nghiêm ngặt bao gồm: Hạn chế các lối ra vào chợ, các địa phương cắt cử lực lượng để kiểm tra việc khai báo y tế, đo thân nhiệt, tiểu thương tại chợ vẫn phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần... |