Nghệ An là địa phương có số lượng hồ chứa nhiều thứ 2 trên cả nước, với hơn 1.060 hồ đập, 615 trạm bơm và 5.950km kênh mương. Trong đó, doanh nghiệp quản lý 96 hồ và địa phương quản lý 965 hồ.
Nhiều hồ chứa, kênh mương ở Nghệ An đã trơ đáy, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp là khó tránh khỏi |
Tính đến khoảng cuối tháng 5, trong 96 hồ do doanh nghiệp quản lý chỉ có ít hồ đầy nước. Số lượng hồ chứa có dung tích nước từ 50% - trên 70% còn rất ít, số hồ còn lượng nước dưới 50% dung tích thiết kế là 39 hồ. Trong khi đó, 965 hồ chứa nhỏ do xã và hợp tác xã quản lý đều chỉ đạt 50% - 65% dung tích thiết kế.
Mực nước tại các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Nghi Quang (Nghi Lộc)... đều thấp hơn mực nước thiết kế; hồ Bản Vẽ (Tương Dương) cũng trong tình trạng tương tự.
Vụ hè thu năm 2020, Nghệ An đã lên kế hoạch tưới cho gần 114.059ha, trong đó tưới lúa 85.092ha và tưới rau màu các loại 8.542ha. Để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của hạn hán, các địa phương cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Rà soát, đánh giá, cân đối lại nguồn nước thực tế để bố trí cây trồng vụ hè thu phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trên cơ sở đó chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, nhằm đảm bảo gieo trồng hết diện tích và sản lượng lương thực đã đề ra. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm.
Trước thực trạng thiếu nước cho sản xuất vụ hè thu, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền nhân dân tiết kiệm nước. Các đơn vị thủy lợi, các xã sử dụng tưới tiêu hợp lý, một số diện tích thiếu nước cần phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu.
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nếu thời gian tới thời tiết diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, không có mưa, nắng nóng và gió Tây Nam xuất hiện sớm, thì hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, năm nay nhuận hai tháng tư (âm lịch) nên tình trạng hạn hán khả năng xảy ra nặng nề hơn. Nắng nóng gay gắt, mực nước nội đồng, sông suối xuống thấp là những yếu tố dẫn đến nguy cơ nước biển xâm thực, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Nếu thời gian tới không có mưa bổ sung thì sẽ rất khó đảm bảo đủ nước cho sản xuất, vì khi nguồn nước xuống đến dưới mực nước chết, sẽ không có biện pháp gì có thể bổ sung nguồn nước để tưới cho các diện tích lúa khô hạn.