Theo tìm hiểu, ngay trên địa bàn TP. Vinh, chợ Hưng Đông đã hoàn thành từ đầu năm 2018. Chợ được xây dựng với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ đồng, trên diện tích 3.600 m2 gồm 1 đình chính và 2 dãy kiốt bán hàng và các công trình phụ trợ đầy đủ như nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, mương tiêu thoát nước thải…
Chợ Hưng Đông được đầu tư hơn 5 tỷ đồng nhưng người dân chỉ buôn bán phía bên ngoài cổng chợ |
Với kỳ vọng chợ Hưng Đông khi đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nhu cầu kinh doanh trao đổi hàng hóa của người dân, góp phần chấn chỉnh tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn khai trương, chợ không có người đến mua - bán.
Đến nay, chợ vẫn cửa đóng then cài. Khu vực này đã trở thành sân chơi thể thao của người dân. Nguyên nhân được cho là: thói quen truyền thống, quy hoạch chưa hợp lý và ý thức của người dân còn hạn chế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, TP. Vinh - cho biết: “Xã cũng đã làm hết cách, cứ kêu gọi được vài bữa đâu lại vào đó, dân chỉ buôn bán phía bên ngoài còn phía trong bỏ trống. Xã đã triển khai nhiều biện pháp nhưng người dân tỏ ra thờ ơ, không buôn bán ở chợ vì không thuận tiện đường. Và thực tế chợ xây dựng không phát huy hiệu quả…”, ông Tấn Khẳng định.
Chợ mới Nghi Kim được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay chưa một lần các tiểu thương vào buôn bán |
Còn ở xã Nghi Kim - khi thực hiện dự án khu đô thị mới do Công ty CP Xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư, chợ mới Nghi Kim được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay gần 4 năm qua khu chợ vẫn bỏ hoang.
Ông Trần Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim - cho biết: Từ khi hoàn thành cho đến thời điểm này, chợ chưa một lần được đưa vào họp. Chợ mới nằm trong tổng thể dự án gồm chung cư, nhà ở liền kề, trường mầm non… với tổng diện tích 6,6ha, trong đó diện tích xây dựng chợ là 1.200m2. Xã đã làm việc với nhà đầu tư và được biết, vì doanh nghiệp không chuyên về quản lý chợ nên đang muốn chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác quản lý, kinh doanh…
Người dân trên địa bàn thường đi chợ Nghi Phú và họp chợ dưới chân cầu Nghi Kim. Vì mất an toàn giao thông nên xã đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự nhưng, thực tế cũng rất khó cho chính quyền, bà con vì xã không có chợ; trong khi chợ được xây trên địa bàn quy mô bài bản thì cửa đóng im ỉm.
Có chợ mới - nhưng theo thói quen bà con vẫn buôn bán bên lề đường gây mất an toàn giao thông |
Không chỉ ở thành phố, ngay ở nông thôn cũng xẩy ra tình trạng này, chợ Rạng xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã được xây dựng mới khang trang với số vốn 4,9 tỷ đồng, nhưng lại bị bỏ hoang. Được biết, chợ Rạng mới được xây dựng từ năm 2016 (do UBND xã Thanh Hưng làm chủ đầu tư), chợ có diện tích trên 5.000 m2, có đình chợ rộng 150m2. Đến tháng 6/2018 hoàn thành, với mong muốn sẽ phục vụ nhu cầu mua, bán cho các xã Thanh Hưng, Thanh Tiên, Thanh Văn (huyện Thanh Chương) và cả Thuận Sơn (Đô Lương). Thế nhưng đến nay chợ vẫn chưa hoạt động. Trong khi đó, dân lại biến quốc lộ 46B thành nơi buôn bán họp chợ, gây ách tắc giao thông.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn bất cập của những khu chợ tiền tỷ xây xong bỏ hoang. Trong khi đó, những chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm thì vẫn tiếp tục mọc lên ở nhiều nơi, nhất là phía ngoài các khu công nghiệp. Nếu không có giải pháp để giải quyết tình trạng này thì không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền bạc của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông tại nhiều khu vực.