Triển khai phương án “3 tại chỗ”
Tốc độ lây lan SARS-CoV-2 khá nhanh trong cộng đồng và các khu cách ly trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ trong một thời gian ngắn. Theo CDC Nghệ An, tính từ ngày 13/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.073 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 quận, huyện, khiến chính quyền địa phương quyết định nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP. Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó” để phòng, chống dịch. Ngoài việc truy vết, dập dịch trong cộng đồng dân cư thì tỉnh Nghệ An cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh trong các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Các DN, nhà máy, KCN, KKT... tại Nghệ An đang “căng mình” ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập |
Vào ngày 20/8 vừa qua, Công ty May Việt Nhật (MLB) huyện Yên Thành (Nghệ An) đã phát hiện 2 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Công ty đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ 1.225 lao động, thực hiện phun khử toàn bộ nhà máy. Sau khi xét nghiệm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hơn131 F1, trong đó có 88 F1 là công nhân công ty, yêu cầu các công nhân cách ly tại nhà.
Ông Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn An Hưng (huyện Yên Thành) cho hay, công nhân, người lao động được động viên không hoang mang, sẵn sàng tâm lý để thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại dù công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhưng nhà máy chỉ đủ chỗ cho 200 công nhân ở lại trong khi cả nhà máy có 1.225 công nhân. "Thời điểm hiện tại rất khó khăn cho DN, phải thực hiện test nhanh cho công nhân hàng tuần, công nhân sợ dịch cũng không chịu đi làm, sản xuất đình trệ, bố trí ăn ở tại chỗ thì không kham được hết. Tình hình này kéo dài, đơn hàng bị đình trệ là điều không thể tránh khỏi…", ông Dũng cho biết thêm.
Khó khăn hơn, tại Công ty CP May Minh Anh, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Tổng giám đốc - cho biết, DN hiện có hơn 3.020 công nhân nhưng lại có đến 2.000 công nhân ở ngoài khu vực thành phố, khi TP. Vinh thực hiện nâng cao giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một bậc thì DN đã phải đóng cửa trong vòng 7 ngày. Cũng theo ông Vĩnh, qua 7 ngày nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, công ty sẽ triển khai mô hình “3 tại chỗ”, áp dụng cho một số lao động để chuỗi sản xuất không bị ảnh hưởng lâu dài.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn được ông Vĩnh nêu ra theo phương án “3 tại chỗ” thì công ty cũng chỉ bố trí tối đa cho 200 công nhân trong tổng số hơn 3.020 công nhân. Với quy mô của nhà máy thì không thể bố trí toàn bộ công nhân tại chỗ, mà thuê khách sạn ăn ở, xe đưa đón đi lại trong cung đường, chi phí xét nghiệm 3 ngày 1 lần thì DN không thể trụ nổi, tình hình này kéo dài thì nguy cơ sản xuất không kịp đơn hàng là hiện hữu….
Chia sẻ về điều này, ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh - cho biết: Trong thời điểm TP. Vinh đang thực hiện thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất (bao gồm trong KCN, CCN), ngày 23/8 UBND TP. Vinh đã có văn bản yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, trường hợp DN không thực hiện được “3 tại chỗ" thì yêu cầu DN phải thuê khách sạn hoặc cơ sở lưu trú trong nội thành để tập trung cho công nhân ăn, nghỉ tại chỗ. Đồng thời, bố trí xe ô tô đưa đón công nhân từ nơi ở tập trung đến cơ sở sản xuất. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến nơi làm việc. Đối với các đơn vị tại KCN Bắc Vinh công tác tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng được kích hoạt ở mức độ cao nhất. Được biết, KCN Bắc Vinh hiện có hơn 6.000 lao động đang làm việc trong 24 doanh nghiệp. Các DN đa số cũng chỉ còn cho phép khoảng 20% số lượng công nhân để duy trì sản xuất và thực hiện “3 tại chỗ” theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch.
Nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban quản lý KKT Đông Nam - thông tin, về phương án Ban đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc phòng, chống dịch Covid-19 trong KKT, các KCN. Phối hợp với ngành y tế, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ các DN triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Thành lập 5 nhóm Zalo cán bộ đầu mối phụ trách công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các DN. Hướng dẫn các DN sử dụng mã QR Code, Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone… cập nhật mức độ an toàn Covid-19 lên trangantoancovid.vn. Duy trì chế độ báo cáo hàng ngày từ DN đến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của KKT, các KCN.
Xét nghiệm cho công nhân trong nhà máy may trên địa bàn tỉnh Nghệ An |
Cũng theo ông Lê Tiến Trị, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các KCN triển khai trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định, tập trung và huy động sức lực cả hệ thống chính trị. Nội dung này được lãnh đạo thành phố yêu cầu thực hiện chặt chẽ trong suốt thời gian qua, không chỉ trong giai đoạn có nhiều F0, F1.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Ban quản lý đã có văn bản đề nghị các DN tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế và thành phố. Triển khai thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến tại các KCN, có kết quả xét nghiệm âm tính… khuyến khích người lao động nội huyện đăng ký ăn, nghỉ, làm việc tập trung tại doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh đang lây lan nhanh và phức tạp trong cộng đồng. Triển khai đến người lao động về việc hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều người sau giờ làm việc. Đồng thời, các công ty hạ tầng tăng cường công tác chốt, chặn kiểm soát phương tiện, hàng hóa, hành khách ra vào các KCN.
Việc tổ chức nội dung “3 tại chỗ” là cách làm rất phù hợp, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh dịch phức tạp. Mục tiêu kép của tỉnh Nghệ An là thực hiện sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn về tính mạng, an ninh trật tự và thu nhập đời sống việc làm ổn định. Cách làm này tuy khiến chi phí tăng nhưng có thể đảm bảo an toàn sản xuất cho cả hệ thống. Trong thời gian tới, các DN sẽ triển khai rộng rãi nội dung này. Thành phố, Ban quản lý và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đảm bảo, hiệu quả.
Theo Ban quản lý KKT Đông Nam, hiện KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An có 130 doanh nghiệp với 30.452 người lao động. Có 2 doanh nghiệp bố trí khu cách ly tập trung; có 55 doanh nghiệp đã trình Ban chỉ đạo huyện phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch; 44 doanh nghiệp đã cập nhật vào bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; có 9 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; 1.770 người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch và 16.645 người lao động được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (tỷ lệ gần 55%). |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).