Từ mô hình trồng chè hữu cơ
Xã Hùng Sơn nằm phía tả ngạn sông Lam của huyện Anh Sơn (Nghệ An) từ vùng đất được xem là “đất chết" Hùng Sơn, nay trở mình thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An. Năm 2001, UBND xã đã mang cây chè về trồng tại đây, theo ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch xã Hùng Sơn, năm 2020, vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn được mở rộng với 600ha, mỗi năm mang lại thu nhập khoảng gần 100 tỷ đồng cho bà con nơi đây.
Để làm nên thương hiệu chè Minh Sáng, thì khâu thu hái chỉ được phép làm thủ công |
"Khi xã có chủ trương trồng chè, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên xung phong trồng thí điểm. Năm đầu - 2003, gia đình trồng được 1,8ha, đến nay gia đình đã có 4ha chè trồng theo hướng VietGap, mỗi năm cho thu hoạch 6 vụ và trung bình một ha chè đạt 30 tấn chè tươi. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid nên giá thu mua chè giảm khoảng 10 giá. Nếu như các năm trước, một kg chè bán được 35 ngàn đồng thì năm nay rớt xuống còn 25 ngàn đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 20 ngàn đồng/kg...", bà Trần Thị Lý - Giám đốc HTX chè Minh Sáng - chia sẻ.
Ông Trần Minh Hoàn chia sẻ thêm, từ ngày có cây chè, đời sống bà con xã Hùng Sơn được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người cao nhất toàn huyện, hơn 52 triệu đồng/người/năm. Tới đây, đập nước Hùng Sơn được xây dựng, những quả đồi kia sẽ thành những đảo chè thu hút du khách thập phương. Còn trước mắt chúng tôi đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, quyết tâm cuối năm nay sẽ về đích.
Ngoài chè ở Hùng Sơn, chè Gay ở Cao Sơn cũng là cây trồng truyền thống có từ lâu đời ở đây, là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Cao Sơn có thu nhập ổn định. Với diện tích trên 550ha, 90% hộ gia đình trồng chè Gay, hộ trồng nhiều trên 1ha, hộ trồng ít từ 2 - 3 sào. Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 - 8.500 bó chè, tính ra thu nhập từ cây chè Gay mang lại cho người dân nơi đây khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm. Để cây chè Gay phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, tỉnh Nghệ An cùng bà con nông dân Anh Sơn xác định phải xây dựng được thương hiệu. Cùng với đó, những hộ trồng chè Gay ở Cao Sơn đã chủ động chuyển đổi, cải tạo đồi chè, thực hiện sản xuất chè Gay theo hướng VietGap.
Đến sản phẩm OCOP 3 sao
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Anh Sơn đã chọn 2 sản phẩm là cây chè Gay và chè Minh Sáng làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2019 và tháng 2/2020, HTX chè Gay Cao Sơn và HTX Minh Sáng được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019, đây là niềm vui lớn đối với người trồng chè ở huyện vùng cao Anh Sơn.
Hai sản phẩm chè xanh của huyện Anh Sơn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019 |
Theo chị Nguyễn Thị Lĩnh, xã Cao Sơn - hộ dân có hơn 20 năm trồng cây chè Gay, để tạo nên thương hiệu và sản phẩm được người dân khắp mọi miền lựa chọn, gia đình chị Lĩnh cũng như người trồng chè Cao Sơn đã áp dụng quy trình sản xuất sạch. Khi sản phẩm chè Gay của địa phương được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, người dân Cao Sơn rất phấn khởi, bởi từ chương trình này sẽ nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi để khẳng định danh tiếng, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người dân.
Với cách đi riêng, trọng chữ tín, trà xanh Minh Sáng là niềm tự hào của vùng chè Hùng Sơn và của huyện Anh Sơn. Hiện nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An công nhận cho sản phẩm trà xanh Minh Sáng đạt hạng 3 sao tham gia Chương trình OCOP năm 2019.
Cũng theo bà Trần Thị Lý, đề án phát triển sản phẩm OCOP như "chắp thêm cánh" cho sản phẩm chè xanh Hùng Sơn vươn ra thị trường trong nước và sắp tới còn có hướng xuất khẩu. Hiện, sản phẩm chè Minh Sáng của HTX đã vào bán được tại hệ thống OCOP ở một số tỉnh thành và vào hệ thống siêu thị Mường Thanh… Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, chè Minh Sáng được tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm… được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Từ thành công của những sản phẩm chè xanh trên mảnh đất nghèo miền núi Anh Sơn đã mở ra hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp mới, minh chứng cho chủ trương đúng đắn về xây dựng Chương trình OCOP mang thương hiệu “Made in Việt Nam” để từ đó các sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu.