NHNN Chi nhánh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội...
Nhiều gia đình ở Mường Lống - Kỳ Sơn (huyện miền núi Nghệ An) đã vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản, gia đình có thêm việc làm và công cụ sản xuất |
Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Cụ thể, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh kịp thời triển khai gói tín dụng tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn khi có chỉ đạo của Hội sở chính, phấn đấu thực hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cấp bách của người dân.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn để tham mưu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ, kết thúc một số chương trình tín dụng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra; xem xét bổ sung chương trình cho vay phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất đủ bù đắp chi phí cho vay, không cần ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân tiếp tay cho các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi.
Đến hết quý I/2019, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 124.540 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 3.914 tỷ đồng, bằng 3,2%; Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh TCTD trên địa bàn đạt 196.849 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 4.304 tỷ đồng, bằng 2,2%.
NHNH Chi nhánh Nghệ An đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các NHTM trên địa bàn mở rộng tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen |
Đại diện Agribank Chi nhánh Nghệ Ancho biết, Agribank đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen như ban hành nhiều văn bản quy trình nghiệp vụ thực hiện chính sách, cho vay hộ gia đình cá nhân. Các chính sách về người nghèo, thu nhập thấp. Hiện, ngân hàng đang triển khai gói cho vay 5.000 tỷ đồng phục vụ các đối tượng người dân có thu nhập thấp.
Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 19 chương trình tín dụng phục vụ các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp: Cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP; cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg; cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Nghệ An, việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm – vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý đã giúp tiết kiệm chi phí của tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Thời gian tới, NHNN Chi nhánh Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng góp phần giảm nạn tín dụng đen.