Theo đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện tốt một số nội dung, trong đó không tổ chức nghiên cứu, khảo sát để bổ sung mới quy hoạch dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả các dự án đang được khảo sát như: Nậm Pông 2, Bản Cốc B, Bản Bà, Ca Nan 3, Mỹ Lý - Xiềng Dược, Hạ Đồng Văn, Hủa Na A, Yên Thắng, Sông Hiếu, Tam Sơn, Hạnh Dịch).
Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách trên địa bàn |
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động”.
Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na và một số dự án thủy điện khác trên địa bàn; rà soát quy trình vận hành hồ chứa thủy điện để xem xét việc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình vận hành phù hợp trong mùa lũ và mùa cạn nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống nhân dân…
Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện với tổng công suất 1.378,9MW, trong đó có 21 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 930,9MW.
Các dự án nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành hằng năm phát điện với sản lượng trung bình gần 3 tỉ kWh, đóng góp ngân sách cho tỉnh gần 600 tỉ đồng/năm và đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
Trong năm 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND Nghệ An rà soát và loại bỏ 15 dự án với tổng công suất 46,15 MW do vị trí tiềm năng thủy điện không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội. |