Tràn lan hàng giả trên "chợ mạng"
Chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút lướt qua các trang facebook,Tiktok, Zalo… người dùng dễ dàng tìm thấy những đôi giày hàng hiệu Gucci, Chanel, LV… có giá chỉ từ 300-500.000 đồng, những chiếc áo phông hiệu Chanel, Gucci, LV, D&G… giá cũng từ 200-300.000 đồng, son môi YSL giá 200.000 đồng... Trong khi với hàng chính hãng, giá các mặt hàng này từ vài triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, khi TMĐT bắt đầu bùng nổ vì ảnh hưởng dịch COVID-19, qua công tác kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã xử lý 44 vụ, thu phạt gần 1,1 tỷ đồng vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng. Cũng theo Cục QLTT Nghệ An, trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Rất nhiều người tiêu dùng phản ánh, họ có cùng lo lắng này, chủ yếu là lo ngại "tiền mất tật mang" do mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh như bán hàng bằng cách tổ chức các buổi livetream trên mạng xã hội Facebook, chốt đơn và đóng gói theo các đơn đã chốt trên livetream sau đó chuyển hàng đến đối tượng khách hàng qua các công ty vận chuyển và chuyển tiền qua tài khoản hoặc nhờ người giao hàng thu tiền hộ. Với việc kinh doanh theo hình thức này, nhiều đối tượng đã không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây nhiều khó khăn cho công tác nắm tình hình, phát hiện các đối tượng và hành vi vi phạm. Hàng hóa được vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, xe bưu chính nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng
Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Lực lượng cũng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT ngày càng tinh vi.
Chỉ trong khoảng thời gian từ 17/4-16/5 Đội QLTT số 11 - cục QLTT Nghệ An đã kiểm tra và xử lý 13 vụ vi phạm hoạt động TMĐT với tổng giá trị thu phạt là 125.600.000 đồng |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hường, việc truy xuất các giao dịch thương mại điện tử, còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của những đối tượng này.
Về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Long - chuyên viên phòng Kế hoạch Tổng hợp Sở Công Thương Nghệ An nói, để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, thì trước hết phải ở ý thức người tiêu dùng. Ví dụ một cái túi xách hiệu Chanel thì không bao giờ có giá chưa đến 500 ngàn đồng và thậm chí cả chục triệu đồng thì vẫn không phải là hàng chính hãng. Neesy người tiêu dùng vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua thì vấn đề ở đây lại là chuyện khác.
Vẫn còn lỗ hổng
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như của người tiêu dùng, nhiều sàn TMĐT khẳng định chỉ chấp nhận cho lên sàn những sản phẩm được cung cấp bởi người bán hoặc nhà phân phối được ủy quyền, hoặc phải có giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm. Thậm chí có sàn TMĐT cam kết đền bù 100% giá trị nếu khách hàng mua phải hàng vi phạm, sao chép bản quyền. “Trong cuộc chiến với không gian mạng này, sự phản hồi tích cực từ khách hàng là kênh tốt nhất trong việc giúp sàn kịp thời nhận biết và ngăn chặn các sản phẩm không đạt chất lượng. Căn cứ vào phản hồi của khách hàng, nếu sản phẩm có tỉ lệ đổi trả hàng cao sẽ không được tiếp tục bán tại sàn TMĐT này" - vị này cho biết.
Theo các sàn TMĐT tùy từng trường hợp, sàn sẽ có các mức độ xử lý khác nhau đối với những vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhiều sàn TMĐT thừa nhận vẫn chưa ngăn chặn hết tình trạng rao bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn do những lỗ hổng nhất định, trong khi chính sách chế tài thời gian qua chưa đủ mạnh.
Từ nay cho đến cuối năm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Nghệ An chưa có dấu hiệu lắng xuống, Cục QLTT Nghệ An đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng trên mạng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tập trung đấu tranh chống lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hàng giả mạo nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu. Tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid - 19.
"Đối với người tiêu dùng, cần bỏ thói quen sử dụng hàng nhái, hàng giả, vì biết là hàng giả, hàng nhái mà vẫn mua là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính”, ông Nguyễn Văn Hường khuyến cáo.