Từ đồng ruộng đi xa
Trong quá trình khởi nghiệp - thất bại nhiều lần, thậm chí có lúc đã nản nhưng câu chuyện của 2 cô gái Hồ Thị Hợp (NS 1994) quê huyện Quỳnh Lưu chọn khởi nghiệp tại TP. Vinh và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1990) ở Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đều bén duyên cùng cây rau củ quả, hạt ở vùng quê nghèo nhưng lại ấp ủ ước mơ nâng tầm cho những loại nông sản vốn bình dị và đời thường ấy.
Giám đốc trẻ Nguyễn Thị Thu Hằng (áo trắng) - Người khởi nghiệp từ nông sản sạch |
Hiện, Hợp đã trở thành chủ của Công ty TNHH sản xuất & thương mại LIM chuyên sản phẩm bột rau củ quả sấy LIM, còn Hằng là Giám đốc của Công ty TNHH Mamifarm, cả hai dự án của Hợp và Hằng vừa lọt vào Top 10 của cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng năm 2021 (techfest Nghệ An open 2021).
Cùng mê nông sản, cùng ao ước tạo ra điều gì đó khác biệt cho nông sản địa phương, Hợp khi ấy đang nghĩ liệu còn cách nào vừa tiêu thụ nông sản ùn ứ cho bà con vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Còn Hằng cũng muốn thử sức trong lĩnh vực chế biến nông sản nông nghiệp công nghệ cao.
Họ toàn dân ngoại đạo với nông nghiệp. Hồ Thị Hợp tốt nghiệp ngành sư phạm, còn Hằng tìm đến với nghề khi đã làm mẹ của 3 cậu con trai. Câu chuyện xoay quanh về nông sản, vi chất, khoáng chất… rồi tự mày mò những bài học "vỡ lòng" giúp họ mở cánh cửa con đường nông sản. Họ nung nấu con đường khởi nghiệp với nông sản sạch.
Thu Hằng kể: "50 triệu đồng tích lũy được dùng làm vốn ban đầu cho giấc mơ khởi nghiệp. Em chọn làm các sản phẩm từ hạt ngũ cốc xuất phát từ việc chăm sóc cho cậu con bị còi nuôi mãi không lớn, mày mò làm cho con ăn sau thấy cháu thay đổi nhanh lớn. Từ đó em chia sẻ lên trang cá nhân và được mọi người nhiệt tình ủng hộ, em quyết định “làm lớn” luôn…”, Hằng nói.
Hằng chia sẻ, càng này em càng nhận thấy người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng sản phẩm dinh dưỡng từ hạt. Hơn nữa, vợ chồng em đều xuất thân nhà nông nên hiểu làm ra nông sản phải đối mặt nhiều rủi ro mất mùa, năm được mùa thì lại rớt giá. "Em nghĩ đến tương lai nếu mình thành công sẽ bao tiêu được đầu ra nông sản cho bà con mà thấy phấn khích trong lòng", Hằng nói.
Sản phẩm ngũ cốc của Mamifarm là các loại đậu xanh, đỏ, đen, đậu nành, đậu Hà Lan, hạt sen, mè đen, gạo lứt, hồ đào, hướng dương, hạt bí ngô… trong đó có 6 loại hạt nhập khẩu cao cấp như hạt chia, hạt mắc ca, hạt óc chó, yến mạch, hạnh nhân, hạt điều |
Rồi Hằng cũng bắt đầu thành công sau vài tháng làm ngũ cốc. Từ một hộ kinh doanh gia đình nay Hằng đã thành lập công ty, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong xã, hệ thống bán hàng với 500 nhân viên và hàng trăm đại lý lớn nhỏ. Đến giờ sản phẩm đã có mặt trên kệ một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm mẹ và bé…
Hằng còn cho biết, Mamifarm đã lựa chọn mô hình kinh doanh đại lý kết hợp sàn thương mại điện tử và kinh doanh 4.0. Phân cấp từ nhà sản xuất xuống nhà phân phối, từ nhà phân phối đến các đại lý, từ các đại lí sẽ đến với sỉ. Điều này giúp hạn chế về địa lí, mở rộng tệp khách hàng một cách nhanh chóng.
Những loại hạt mà Hằng đã lựa chọn cho sản phẩm ngũ cốc của mình là các loại đậu xanh, đỏ, đen, đậu nành, đậu Hà Lan, hạt sen, mè đen, gạo lứt, hồ đào, hướng dương, hạt bí ngô… trong đó có 6 loại hạt nhập khẩu cao cấp như hạt chia, mắc ca, óc chó, yến mạch, hạnh nhân, hạt điều. Tất cả đã được Hằng nghiên cứu dược tính kỹ lưỡng.
Quá trình trao đổi với Hằng, tôi hiểu rằng để làm nông nghiệp sạch không hề đơn giản, thật lắm công phu. Và làm nông nghiệp sạch chưa hẳn đã cần “trồng trọt công nghệ cao”, nhưng tuyệt đối phải hiện đại ở khâu chế biến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc - cho biết, công ty của Hằng là một trong những mô hình điển hình về phụ nữ khởi nghiệp của huyện. Những năm qua, huyện đã khuyến khích thanh niên về quê lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con, đặc biệt kết nối với các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp để bao tiêu đầu ra. "Những doanh nghiệp giống như của vợ chồng Hằng sẽ góp phần mang lại đời sống ấm no hơn cho bà con nông thôn", chị Xuân cho hay.
Hợp tác với nông dân là đích đến cuối cùng
Kể về vùng chuyên canh trồng rau củ cung cấp cho nhà máy, Hồ Thị Hợp khoe mất hai năm để có được những thứ như hiện tại. Đó vừa là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào nhưng cũng làm mẫu để Hợp dần thay đổi thói quen canh tác của bà con nông dân, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ.... Hiện, vùng chuyên canh trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở huyện Diễn Phong, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã được ký kết hợp tác lâu dài.
"Chiến lược lâu dài của Lim - Farm & Food là hợp tác với nông dân mới là đích đến cuối cùng, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau cho bà con ở đây" - Hồ Thị Hợp chia sẻ
Khi có vùng nguyên liệu sạch, Công ty TNHH sản xuất & thương mại LIM đã quyết định ký hợp đồng thu mua rau với giá ổn định suốt năm với điều khoản không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch. "Nguyên liệu đầu vào ổn rồi, mình quyết định "vay" vốn của bố mẹ, người thân để mua sắm máy móc" - Hợp cười nói.
Công ty TNHH sản xuất & thương mại LIM - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất bột rau củ sấy lạnh ở Nghệ An giúp bà con nông dân tìm đầu ra cho rau củ |
Những mẻ bột rau đầu tiên chào đời, Hợp hồi hộp chờ tín hiệu từ thị trường dù thời điểm ấy hầu như chưa có thương hiệu nào chuyên về bột rau ở Nghệ An thành công. "Cho đến lúc này, khoảng hai năm chào bán sản phẩm ra thị trường, bọn em có thể tự tin về chất lượng, độ sạch của sản phẩm như cam kết ban đầu" - Hợp nói.
Ngoài ra, Hợp không những phải trải qua những khó khăn mà bất kỳ ai khởi nghiệp đều cũng gặp như: tài chính, công nghệ, con người, cơ sở vật chất... mà còn gặp khó khăn rất lớn về thị trường và thương hiệu. Nhưng rồi Hợp kiên trì nỗ lực với lựa chọn của mình và cuối cùng cô đã làm được. Tháng 10 vừa qua, sau khi lọt vào Top 10 của Techfest Nghệ An open 2021, Hợp đang hoàn thiện các thủ tục để gắn sao OCOP cho sản phẩm, và xuất khẩu sẽ là thị trường tiếp theo mà Hợp hướng đến.
Hợp chia sẻ, khi công ty cho ra đời các sản phẩm đầu tiên, đối tác nhận thấy sản phẩm có chất lượng tốt và thị trường có phản hồi tích cực cho những sản phẩm này. Do đó, dù trong mùa dịch, bên mình vẫn có những đơn hàng tiếp nối sau đợt hàng đầu tiên”.
Công ty làm về thực phẩm, luôn tâm niệm làm ra những sản phẩm tốt để phục vụ người tiêu dùng. Trước đây, không ai nghĩ rằng dùng bột có thể thay thế cách chế biến truyền thống để tạo ra sản phẩm vừa ngon, sạch và dinh dưỡng. Công ty đã kiên trì xây dựng mô hình hoàn thiện từ “trang trại - chế biến - trực tiếp phân phối” hơn 2 năm và bây giờ mọi người đều đón nhận. Những sản phẩm chất lượng sẽ giữ được chỗ đứng của mình dù thị trường có đi xuống.
Theo Hợp, với công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản,13 loại bột rau sấy lạnh, như cà rốt, củ dền, bí đỏ, rau cải, bột gừng, bột cần tây… được chia làm 2 nhóm: Detox và ăn dặm của Lim ra đời đã tiết kiệm thời gian cho mẹ mà vẫn tiện lợi cho bé. "Không chỉ dừng lại là một sản phẩm tốt cho sức khỏe, mọi người còn dùng sản phẩm của Hợp như một phần thiết yếu hằng ngày. Trong điều kiện giãn cách xã hội vừa qua, việc đi chợ mua rau về dùng cũng hạn chế, nhiều khách hàng đã lựa chọn bột rau thay cho dùng rau tươi", Hợp kể.
Và cô nhắn gửi: “Mình nghĩ rằng thời nào cũng có những khó khăn riêng. Trong thời điểm hiện tại này, việc bán qua các kênh trực tiếp gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trẻ có xu hướng tập trung vào trực tuyến, lập fanpage chạy quảng cáo Facebook - Lazada - Shopee - Sendo…. để tiếp cận khách hàng toàn quốc và chăm sóc khách hàng từ xa. Càng trẻ thì việc tiếp cận thông tin thị trường càng nhanh nhạy và linh động thay đổi mô hình kinh doanh, đó cũng là một lợi thế mà doanh nghiệp trẻ nên tận dụng…”.