Trước đó, ngày 7/2, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) ngừng việc tập thể để yêu cầu tăng lương cơ bản, phụ cấp thâm niên và các quyền lợi khác.
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, hiện liên đoàn đang phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết vụ việc. Ngày 7/2, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, công nhân quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, đến đầu giờ làm việc buổi chiều, gần 2.500 công nhân của công ty không vào làm việc mà tập trung bên ngoài để yêu cầu công ty đáp ứng các quyền lợi mà theo họ là chính đáng.
Do không đồng ý về chi trả lương, thưởng và một số chế độ khác, hơn 2.500 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (đóng trên địa bàn xã Diễn Trường- huyện Diễn Châu) ngừng việc tập thể để phản đối |
Chị N.T. H - công nhân Công ty TNHH Viet Glory cho hay, đã gần 4 năm chị làm việc tại công ty, nhưng đến thời điểm này cũng không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, trong khi một số doanh nghiệp khác xung quanh đã tăng lương cơ bản cho người lao động. Chị H cũng cho biết, với mức lương 3.690.000 đồng/tháng và các phụ cấp khác, hiện mức lương của chị H khoảng 6 triệu đồng một tháng.
Theo chị H, việc ngừng việc tập thể là để yêu cầu phía công ty thực hiện tăng lương cơ bản theo quy định và giải quyết chế độ thâm niên cho người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động còn cho rằng, phía công ty thực hiện việc trừ các khoản phụ cấp một cách vô lý. "Theo quy định của công ty, chúng tôi được hưởng phụ cấp xăng xe 200 nghìn đồng/tháng, trợ cấp đối với phụ nữ là 30 nghìn đồng, phụ nữ nuôi con nhỏ được hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ được hưởng đầy đủ số tiền trên mà bị trừ trực tiếp vào một ngày nghỉ phép năm trong tháng nhưng không được giải thích thỏa đáng", một nữ công nhân khác cho biết.
Sau khi phản ánh tới các bộ phận liên quan cũng như tổ chức công đoàn để kiến nghị lên lãnh đạo công ty không có kết quả, các công nhân đã đồng loạt nghỉ việc, yêu cầu thực hiện đối thoại và có câu trả lời thỏa đáng.
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết thêm, ngay sau khi vụ việc xảy ra, đại diện UBND huyện Diễn Châu, Liên đoàn Lao động, Phòng LĐ-TB&XH, Công an huyện Diễn Châu và chính quyền xã Diễn Trường đã có mặt, nắm bắt tâm tư người lao động, đồng thời vận động, tuyên truyền để công nhân sớm trở lại làm việc.
Lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu và các ngành chức năng làm việc với đại diện Công ty TNHH Viet Glory về các kiến nghị của người lao động vào sáng nay 8/2 |
Đến sáng ngày 8/2, các công nhân đến làm việc tuy nhiên chưa nhận được thông báo cụ thể từ phía lãnh đạo nên tiếp tục phản đối bằng cách không vào nhà máy làm việc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã trực tiếp tuyên truyền thuyết phục nhưng công nhân vẫn không đồng thuận. Đến 8 giờ 30 thì tất cả công nhân đồng loạt ra về.
Cũng ngay trong sáng 8/2, đại diện Sở Công Thương Nghệ An - ông Lê Đức Ánh - cùng các cơ quan chức năng huyện Diễn Châu và đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory đã có buổi làm việc để làm rõ những kiến nghị của công nhân.
Cụ thể, nhiều kiến nghị của công nhân đưa ra như: về chế độ tiền lương, công nhân đòi tăng lương cơ bản, đòi phụ cấp thâm niên. Về thái độ của một số quản lý người nước ngoài (hiện tại có 54 người Trung Quốc đang làm việc tại công ty) đôi khi có lời nói chưa chuẩn mực, còn chửi bới, văng tục với công nhân. Chế độ độc hại thấp so với quy định (183.505 đồng/tháng/công nhân) đề nghị tăng lên. Chế độ hỗ trợ tiền Covid-19 hiện nay chưa có thì vướng mắc ở đâu? Lương tháng 13: công ty trả theo thời gian làm việc là không công bằng, yêu cầu trả đầy đủ không trừ theo tỷ lệ so với thời gian vào làm việc. Bảng lương cần chi tiết rõ ràng từng khoản và số tiền, không được gộp chung các khoản khác lại một mục gây khó hiểu. Yêu cầu ghi rõ từng mục được nhận trong tháng…..
Tại buổi làm việc, theo lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory, hiện mức lương cơ bản mà công ty đang áp dụng là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam, thậm chí còn cao hơn mức lương cơ sở vùng theo quy định. Do đó công ty không có cơ sở để chấp thuận kiến nghị tăng lương của người lao động. Về phụ cấp thâm niên, vấn đề này không nằm trong quy định của pháp luật, mặt khác do công ty mới đi vào hoạt động gần 3 năm nay, thời gian qua bị gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa có kế hoạch thực hiện. Các kiến nghị khác của người lao động không nằm trong quy định của pháp luật đang tiếp tục được công ty xem xét…
Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu yêu cầu công ty cần rút kinh nghiệm và có thái độ hợp tác, thiện chí với các cơ quan chức năng để làm việc đảm bảo an ninh, an toàn đặc biệt là môi trường đầu tư và phòng chống dịch trên địa bàn huyện. Tiếp đến, công ty cần tập hợp tất cả các kiến nghị của công nhân để trả lời cụ thể cho công nhân bằng văn bản và gửi cho các cơ quan liên quan ngay trong chiều ngày 8/2 nếu không thực hiện sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.